OPEC+ tiếp tục "mở van" dầu
Kết thúc cuộc họp trực tuyến hôm qua ngày 5/7, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, tuyên bố tiếp tục tăng mạnh sản lượng dầu.
Cụ thể, trong tuyên bố sau cuộc họp tại Vienna (Áo), 8 thành viên chủ chốt của OPEC+ (bao gồm Saudi Arabia, Nga, Iraq, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Kuwait, Kazakhstan, Algeria và Oman) đã thống nhất tăng thêm 548.000 thùng dầu/ngày ra thị trường trong tháng 8 tới đây, đánh dấu lần điều chỉnh tăng thứ tư liên tiếp.
Hơn nữa, mức tăng thêm 548.000 thùng/ngày cũng đánh dấu sự gia tăng đáng kể so với mức tăng hàng tháng là 411.000 thùng/ngày mà tổ chức này đã chấp thuận cho tháng 5, tháng 6 và tháng 7 và mức tăng 138.000 thùng/ngày áp dụng vào tháng 4.
![]() |
Sản lượng dầu thô của OPEC+ - Nguồn: Tác giả tổng hợp |
OPEC+ viện dẫn triển vọng kinh tế toàn cầu ổn định và các yếu tố cơ bản thuận lợi của thị trường, trong đó lượng dầu tồn kho thấp, là lý do để tổ chức này tiếp tục tăng mạnh sản lượng.
Cuộc họp của OPEC+ diễn ra sau cuộc xung đột kéo dài 12 ngày giữa Iran và Israel, khiến giá dầu có thời điểm tăng lên hơn 80 USD/thùng do lo ngại nguy cơ đóng cửa eo biển Hormuz, cửa ngõ vận chuyển dầu quan trọng hàng đầu. Mỗi ngày có khoảng 14,2 triệu thùng dầu thô và 5,9 triệu thùng các sản phẩm xăng dầu khác đi qua eo biển Hormuz, chiếm khoảng 20% tổng sản lượng toàn cầu trong quý đầu tiên của năm 2025.
Tuy vậy, giá dầu hiện đã giảm đáng kể từ vùng giá cao, dao động quanh 65-68 USD/thùng, do nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu giảm tốc vẫn là yếu tố chính chi phối lên giá dầu. Hơn nữa, trong bối cảnh căng thẳng thương mại phủ bóng lên tăng trưởng kinh tế toàn cầu, triển vọng tiêu thụ dầu càng trở nên kém lạc quan, bởi dầu vốn được coi là “thước đo sức khỏe của nền kinh tế”.
Hơn nữa, trong bối cảnh OPEC+ liên tục bơm dầu ra thị trường, cán cân cung cầu dầu toàn cầu trong nửa cuối năm có thể bị đảo chiều theo hướng dư cung, qua đó giữ cho giá dầu tiếp tục duy trì ở mức thấp. Đây là một tín hiệu tích cực đối với những quốc gia đi nhập khẩu dầu, trong đó có Việt Nam.
Động thái của OPEC+ ảnh hưởng ra sao đến Việt Nam?
Hiện nước ta vẫn phải nhập khẩu dầu thô nằm phục vụ cho hoạt động lọc dầu, chế biến nhiên liên phục vụ cho nhu cầu nội địa. Trong đó, Việt Nam nhập khẩu một lượng lớn dầu thô từ các quốc gia OPEC+.
Cụ thể, theo dữ liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, Việt Nam đã nhập khẩu 1,04 triệu tấn dầu thô trong tháng 5 năm nay, giảm 17,9% so với tháng trước. Tính lũy kế 5 tháng đầu năm, tổng lượng nhập khẩu dầu thô đạt xấp xỉ 6 triệu tấn, tương đương tăng 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về thị trường, Việt Nam nhập khẩu dầu thô từ 3 thị trường chính bao gồm: Kuwait, Nigeria và Brunei. Trong đó Kuwait, một thành viên của OPEC+, hiện là thị trường cung cấp dầu thô chủ lực cho Việt Nam. Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã nhập khẩu tới 4,76 triệu tấn dầu thô từ quốc gia này, chiếm 80% tổng lượng nhập khẩu dầu thô của nước ta.
Trong khi đó, tổng mức tăng sản lượng của quốc gia này đạt khoảng 1,233 triệu thùng/ngày tính từ tháng 5 năm nay, phản ánh triển vọng nguồn cung dầu thô dồi dào từ quốc gia này.
![]() |
Cơ cấu nhập khẩu dầu thô của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2025 - Nguồn: Tác giả tổng hợp |
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng nhập khẩu các sản phẩm xăng dầu, chủ yếu từ Singapore và Hàn Quốc. Cụ thể, tính trong 5 tháng đầu năm nay, nước ta nhập khẩu khoảng 4 triệu tấn xăng dầu, trong đó, nhập khẩu từ Singapore 1,59 triệu tấn (chiếm khoảng 40% tổng lượng nhập khẩu), nhập khẩu từ Hàn Quốc khoảng 1,03 triệu tấn (chiếm khoảng 26%).
Trong khi đó, Hàn Quốc lại là quốc gia nhập khẩu nhiều dầu thô nhất từ Saudi Arabia (một thành viên của OPEC+), chiếm thị phần hơn 33%. Đồng thời, Saudi Arabia cũng là nhà cung cấp dầu thô lớn thứ ba cho Singapore. Chính vì vậy, nguồn cung dầu thô dồi dào từ OPEC+ giúp đảm bảo nguyên liệu đầu vào để sản xuất xăng dầu tại các quốc gia này. Đây là tín hiệu lạc quan đối với hoạt động nhập khẩu xăng dầu của Việt Nam.
Như vậy, động thái nới cung dầu của OPEC+ được coi là một tín hiệu tích cực đối với quốc gia nhập khẩu dầu thô như Việt Nam.
Nhìn từ bức tranh chung cho thấy nguồn cung ứng dầu thô của nước ta đang tương đối dồi dào, chi phí nguyên liệu đầu vào cũng đang ở mức thấp, đây được coi là một tin tốt đối với ngành lọc dầu trong nước.
Nhờ nguồn cung đầu vào ổn định, hai nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) và Dung Quất (Quảng Ngãi), nơi đáp ứng khoảng 70% nhu cầu xăng dầu tại thị trường trong nước, có thể duy trì ổn định nguồn cung sản phẩm xăng dầu cho thị trường trong thời gian tới, qua đó giúp phòng tránh các rủi ro do gián đoạn nguồn cung trong nước, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.