Ông lớn vận tải biển Maersk báo lợi nhuận giảm quá nửa do nhu cầu suy yếu

Nhắc đến Maersk - gã khổng lồ ngành vận tải biển, có thể còn không quen ở thị trường Việt Nam. Tuy vậy nếu gợi nhớ đến hàng loạt vỏ container xuất hiện hàng ngày, lướt qua khắp nẻo đường Việt Nam thì sẽ là cái tên rất quen thuộc.

Maersk tại Việt Nam

Công ty TNHH Maersk Việt Nam (là đại lý của Hãng tàu Maersk tại Việt Nam) được thành lập từ năm 1991 và là công ty logistics đầu tiên có 100% vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam. Trụ sở chính của công ty được đặt ở Thành phố Hồ Chí Minh và có hơn 3.600 nhân viên đến từ Việt Nam, Thái Lan, Campuchia, Myanmar và Lào.

Thông qua các kết nối liền mạch với mạng lưới dịch vụ toàn cầu của tập đoàn Maersk, Maersk Việt Nam luôn đảm bảo hoạt động vận chuyển đường biển với độ tin cậy cao, linh hoạt và đa dạng dịch vụ vận chuyển, giúp kết nối các cảng chính ở Việt Nam với châu Á và phần còn lại của thế giới.

Hơn 30 năm qua, Maersk đã từng bước đóng góp cho Việt Nam trên bản đồ logistics quốc tế. Tháng 10/2020, Cảng Quốc tế Cái Mép lần đầu tiên chào đón “siêu tàu” Margrethe Maersk, một trong những tàu biển lớn nhất thế giới với sức chở 20.000 TEU (20.000 container dài 6 mét). Đây là sự kiện mang tính lịch sử của ngành vì Cái Mép là 1 trong số ít 20 cảng lớn trên thế giới đủ năng lực để tiếp nhận những "siêu tàu" như thế.

Bên cạnh đó, bộ phận điều hành cảng của Maersk - APM Terminals đã hợp tác với tập đoàn HATECO Việt Nam để phát triển hai cầu cảng nước sâu mới tại cảng Lạch Huyện ở thành phố Hải Phòng. Dự án dự kiến bắt đầu hoạt động vào quý 1/2025 và có khả năng tiếp nhận các tàu lớn tới 18.000 TEU, theo báo cáo tài chính quý 1/2023 của Maersk.

Gã khổng lồ Maersk báo lãi quý 1/2023 giảm "do năm 2022 lãi quá lớn"

Gã khổng lồ Đan Mạch đã trải qua một năm 2022 “phi thường” do giá cước vận tải biển liên tục tăng. Lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA) cả năm 2022 của Maersk tăng lên 36,84 tỷ USD, thấp hơn đôi chút so với dự báo 37 tỷ USD, nhưng vẫn là kết quả cao nhất trong lịch sử.

Ông lớn vận tải biển Maersk báo lợi nhuận giảm quá nửa do nhu cầu suy yếu
Năm 2022 "bùng nổ" của Maersk.

Tuy nhiên, bước sang năm 2023, giá cước vận tải giảm và nhu cầu suy yếu đã tác động tiêu cực đến lợi nhuận của công ty. Một lý giải khác cho tình hình kinh doanh qíu 1/2023 giảm sút là do "năm 2022 lãi quá lớn".

Cụ thể, Maersk ghi nhận doanh thu quý 1/2023 giảm 26% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 14,2 tỷ USD. EBITDA cũng giảm từ 9,1 tỷ USD từ quý 1/2022 xuống 4 tỷ USD, trong khi lợi nhuận trước thuế và lãi (EBIT) giảm từ 7,3 tỷ USD xuống 2,3 tỷ USD.

Lợi nhuận ròng trong quý 2/2023 đạt 2,28 tỷ USD, giảm hơn một nửa so với con số 6,78 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái. Trong khi dòng tiền tự do của công ty giảm từ 6 tỷ USD trong quý 1/2022 xuống còn 4,2 tỷ USD.

Trong cả năm 2023, Maersk dự kiến EBITDA sẽ giảm mạnh xuống còn từ 8 - 11 tỷ USD, EBIT dao động ở mức 2 - 5 tỷ USD và dòng tiền tự do ít nhất sẽ ở mức 2 tỷ USD.

Công ty cho biết dự báo này dựa trên “kỳ vọng rằng quá trình điều chỉnh hàng tồn kho sẽ hoàn tất, qua đó dẫn đến một môi trường nhu cầu cân bằng hơn, tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2023 vẫn ở mức thấp và thị trường container đường biển toàn cầu sẽ dao động trong phạm vi -2.5% đến +0.5%”.