Không thể phủ nhận, kỳ tích từ một cửa hàng nhỏ trên đường Nguyễn Đình Chiểu, Thế giới Di động trở thành nhà bán lẻ top đầu Việt Nam trước khi gặp phải những thách thức chưa từng có của thị trường, là đáng kinh ngạc.

Thế Giới Di Động phát triển như "vũ bão"

Chặng đường 20 năm của Thế giới di động (TGDD) bắt đầu từ tháng 3/2004 với việc thành lập công ty TNHH Thế giới Di động, kết hợp mô hình một trang web trực tuyến và một hệ thống cửa hàng bán lẻ điện thoại di động.

Năm 2005, siêu thị đầu tiên ra mắt ở số 89A Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3, TP. HCM. Đây cũng là siêu thị đặt nền móng của chuỗi thegioididong rất lớn sau này.

Năm 2007, công ty nhận vốn đầu tư của quỹ Mekong Capital, chính thức đổi tên thành Công ty Cổ phần Thế giới Di động. Cuối năm 2009, TGDD đã đạt mốc 38 siêu thị trên cả nước với 19 siêu thị tại TP. HCM, 5 siêu thị tại Hà Nội, 2 siêu thị tại Đà Nẵng và 12 siêu thị tại các tỉnh thành khác. Thời gian này bắt đầu vào giai đoạn mở rộng thần tốc của “đế chế” Thế giới Di động.

Ông Nguyễn Đức Tài: “Quỹ loại ra là quyết định bình thường”, liệu có thật sự bình thường khi đang từ viên kim cương lại trở thành than đá?
Hình ảnh 'người xanh' của chuỗi điện máy từng bùng nổ truyền thông. Nguồn: MWG

Tháng 12/2010, TGDD ra mắt chuỗi bán lẻ ngành hàng điện máy với tên gọi ban đầu là dienmay.com. Đến tháng 3/2012, TGDD đã phủ sóng tất cả tỉnh thành với hơn 220 siêu thị, đồng thời trở thành nhà bán lẻ duy nhất tại Việt Nam thực hiện được điều này. Năm 2014, sau 10 năm thành lập Thế giới di động chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán với mã: MWG, lúc này TGDD cũng chiếm thị phần lớn nhất tại Việt Nam về điện thoại di động.

Một năm sau đó, chuỗi dienmay.com được đổi nhận diện thương hiệu và logo mới, ra mắt Điện máy XANH. Cũng trong năm 2015, TDGG bắt đầu thử nghiệm với ngành hàng thực phẩm tiêu dùng cùng cửa hàng Bách Hóa Xanh đầu tiên.

Không dừng lại, MWG còn mở đến 5 chuỗi cửa hàng thuộc nhóm AVA cho phân khúc thời trang gia đình, đồ thể thao, mẹ và bé, trang sức và bán xe đạp; khai thác thị trường dược phẩm với chuỗi nhà thuốc An Khang.

Thế giới di động cũng tiến ra thị trường khu vực với chuỗi Bluetronics kinh doanh điện thoại lẫn điện máy tại Campuchia, sau đó là chuỗi điện thoại và điện máy EraBlue tại Indonesia hiện đã có 55 cửa hàng.

Ông Nguyễn Đức Tài: “Quỹ loại ra là quyết định bình thường”, liệu có thật sự bình thường khi đang từ viên kim cương lại trở thành than đá?
Công ty đã rất kỳ vọng vào năm 2022. Đơn vị: ngàn tỷ đồng

Năm 2021 có thể coi là thời kỳ đỉnh cao rực rỡ của doanh nghiệp. Đối diện với không chỉ Covid-19, năm 2021 còn bao trùm lên MWG loạt khủng hoảng truyền thông lớn từ Bách Hoá Xanh đến lùm xùm mặt bằng với đối tác, song song là nhân sự chủ chốt như ông Trần Kinh Doanh chính thức rút khỏi Công ty. Doanh nghiệp vẫn ghi nhận mức lãi kỷ lục.

Theo đó, năm 2021 doanh thu thuần MWG đạt 122.958 tỷ đồng, tương đương hơn 5,3 tỷ USD, tăng 13% so với năm trước. Doanh thu online đạt 14.370 tỷ đồng, tăng 53%. lợi nhuận gộp cả năm đạt 27.632 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ, đẩy biên lợi nhuận tăng nhẹ từ 22% lên 22,4%. Doanh thu hoạt động tài chính tăng đến 59% so với năm trước, ghi nhận hơn 1.266 tỷ đồng chủ yếu do tăng lãi tiền gửi hơn 70% (thu về 967 tỷ đồng). Kết quả, MWG báo lãi ròng tăng 25% so với năm trước, đạt gần 4.899 tỷ đồng, hoàn thành mục tiêu đề ra cho năm 2021.

Từ đỉnh cao rực rỡ đến lợi nhuận chạm đáy, out khỏi danh mục chỉ số VNDiamond

Chủ tịch MWG từng nhận xét về 2021 là “một năm thách thức không thể nào quên” nhưng có lẽ những gì xảy ra trong năm 2023 mới chính là những thách thức thực sự cho doanh nghiệp này.

Không nhiều người nghĩ rằng khó khăn lại nhanh chóng ập đến với MWG như thế. Áp lực lạm phát gây sức ép lên nhu cầu tiêu dùng ngày càng rõ rệt, đặc biệt từ nửa sau của năm ngoái. Sau khi đạt đỉnh vào giai đoạn quý 4/2021-1/2022, doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp bán lẻ này liên tục sụt giảm mạnh. Tính chung cả năm 2022, MWG lãi ròng 4.102 tỷ đồng, giảm 16% so với năm trước và là lần đầu tiên tăng trưởng âm kể từ năm 2012.

Cổ phiếu MWG trên thị trường cũng trượt dài theo kết quả kinh doanh, tính đến tháng 4/2023 giá trị vốn hoá chỉ còn hơn 58.000 tỷ đồng, “bốc hơi” 58.500 tỷ (~2,5 tỷ USD) sau một năm.

Chưa dừng lại ở đó, tổng kết năm 2023, MWG cho biết hầu hết các ngành hàng đều tăng trưởng âm, công ty ghi nhận doanh thu đạt 118.279 tỷ đồng, giảm 11,5% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 167,8 tỷ đồng, giảm tới 96% so với năm 2022, mới “vỏn vẹn” hoàn thành 4% mục tiêu cả năm. Đây cũng là mức lợi nhuận thấp nhất của doanh nghiệp này kể từ năm 2013 đến nay. Toàn hệ thống đã đóng tổng cộng 206 cửa hàng, cắt giảm gần 10.000 nhân sự.

Ông Nguyễn Đức Tài: 'Quỹ loại ra là quyết định bình thường', nhưng đến khi nào MWG mới tìm lại được ánh hào quang?
Năm 2022 MWG lần đầu tăng trưởng âm

Gần đây nhất, Sở GDCK TP.HCM vừa công bố thành phần chỉ số VNDiamond kỳ tháng 4/2023. Theo đó, MWG của Thế giới di động bị loại khỏi rổ chỉ số kim cương VNDiamond. Theo ước tính mới nhất của hãng chứng khoán SSI, các quỹ ETF sẽ "xả" 48,2 triệu cổ phiếu MWG trong danh mục sau khi MWG bị loại khỏi rổ chỉ số VNDiamond.

Liên quan đến việc MWG bị loại khỏi rổ chỉ số VNDiamond, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 vừa diễn ra (ngày 13/4), trả lời câu hỏi của cổ đông về nguy cơ cổ phiếu MWG bị loại khỏi VNDiamond, ông Nguyễn Đức Tài cho biết, kết quả kinh doanh giai đoạn 2022-2023 của Thế Giới Di Động không tốt nên cổ phiếu MWG không còn đủ tiêu chuẩn nằm trong các rổ chỉ số, đó là chiến lược của từng quỹ.

"Chúng ta làm tốt, các quỹ quan tâm đưa vào danh mục. Chúng ta làm dở, quỹ loại ra là quyết định bình thường. Tôi tin năm nay Thế Giới Di Động sẽ quay trở lại với sự hiệu quả, mọi thứ sẽ tốt lên, và có lẽ các quỹ sẽ cân nhắc để mua vào cổ phiếu MWG", ông Nguyễn Đức Tài chia sẻ.

Có thể thấy vị ‘’thuyền trưởng’’ này đang rất kỳ vọng vào những kế hoạch kinh doanh sắp tới.