Ngày 13/11/2023, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị tín dụng đối với bất động sản và phát triển nhà ở xã hội. Hội nghị do Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú và Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đồng chủ trì.

Hội nghị còn có sự tham dự của Tổng giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội; Tổng giám đốc của 14 tổ chức tín dụng có trụ sở tại Hà Nội (có dư nợ tín dụng bất động sản trên 20.000 tỷ đồng); đại diện lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam và lãnh đạo một số doanh nghiệp, tập đoàn bất động sản.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Cường - Phó Chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh cho biết Tập đoàn Hưng Thịnh đã tái cơ cấu mạnh mẽ và quyết tâm khôi phục sản xuất kinh doanh.

PHó Chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh: Doanh nghiệp bất động sản cần được kéo dài thời gian vay vốn
Ông Nguyễn Văn Cường - Phó Chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh

Đồng thời Tập đoàn Hưng Thịnh đã được Ngân hàng LPBank quyết định cấp hạn mức cho vay 5000 tỷ đồng. Gói tín dụng của LPBank giúp tháo gỡ nút thắt về vốn cho các doanh nghiệp trong Tập đoàn Hưng Thịnh và hàng trăm nhà thầu tại các dự án đang dang dở. Đây cũng là nỗ lực của LPBank trong việc tuân thủ và thực hiện đúng theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về việc tiếp tục thúc đẩy cho vay tín dụng với lĩnh vực bất động sản.

Tuy nhiên, LPBank đã phê duyệt chi tiết khoảng 2.000 tỷ đồng nhưng sau đó ngân hàng này bị hết room cho vay bất động sản nên sẽ gặp khó trong việc triển khai tiếp theo.

Vì vậy, đại diện cho tập đoàn Hưng Thịnh ông Cường đưa ra 2 đề xuất cụ thể đối với vấn đề tín dụng bất động sản trong hội nghị như sau:

Thứ nhất là Ngân hàng Nhà nước có chính sách nới room tín dụng cho những ngân hàng tham gia tái cơ cấu thị trường bất động sản, thực hiện tốt chủ trương chỉ đạo của Đảng và Nhà nước.

Thứ hai, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng có thêm cơ chế kéo dài thêm thời gian vay vốn đối với các nhà thầu thi công, các nhà cung cấp nguyên vật liệu cho dự án bất động sản lên khoảng 18 đến 24 tháng thay vì chỉ 6-12 tháng như hiện nay, các ngân hàng sẽ cùng giám sát chặt chẽ dòng tiền để thu hồi nợ trước hạn khi doanh nghiệp có dòng tiền về sớm, đảm bảo an toàn dòng vốn cho vay.

Ông Cường cũng bày tỏ niềm tin khi dòng vốn đi trực tiếp vào sản xuất kinh doanh sẽ góp phần khôi phục lại và thúc đẩy hoạt động của thị trường bất động sản.

Được biết tại hội nghị, NHNN đã công bố 5 giải pháp chính gỡ khó cho thị trường bất động sản, đang rà soát Thông tư 03 và Thông tư 06 để ban hành các văn bản sửa đổi, bổ sung phù hợp.

Sơ lược về tập đoàn Hưng Thịnh

Tính đến cuối tháng 6/2023, Tập đoàn Hưng Thịnh (Hưng Thịnh Land) có vốn chủ sở hữu gần 19.566 tỷ đồng - là doanh nghiệp bất động sản có quy mô tài sản đứng thứ 4 tại Việt Nam, chỉ xếp sau Vinhomes của tỷ phú Phạm Nhật Vượng (396.000 tỷ đồng), Novaland của ông Bùi Thành Nhơn (257.000 tỷ đồng) và SDIC (96.000 tỷ đồng).

Tổng tài sản của Hưng Thịnh Land xếp trên nhiều doanh nghiệp bất động sản như Becamex, Vincom Retail, Nam Long, Phát Đạt, Nhà Khang Điền, DIC Corp, Văn Phú - Invest…

Hưng Thịnh Land được biết đến với một số dự án như Lavita Charm (Thủ Đức, TP.HCM), khu căn hộ Q7 Boulevard (Quận 7, TP.HCM), SaigonMia (huyện Bình Chánh, TP. HCM), Moonlight Residences (thành phố Thủ Đức, TP.HCM)…

Gần đây, Hưng Thịnh Land đang triển khai một dự án rất lớn là Merryland Quy Nhơn, do công ty thành viên Hưng Thịnh Quy Nhơn phát triển. Hưng Thịnh Quy Nhơn có tài sản hơn 35.000 tỷ đồng và cũng vừa báo lỗ 35 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2023.