![]() |
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp ông Nghiêm Giới Hoà, người sáng lập CPCG tại Bắc Kinh (Nguồn ảnh: VGP/Nhật Bắc) |
Sáng 19/5, tại Hà Nội, lễ khởi công dự án xây dựng cầu Tứ Liên chính thức diễn ra với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Dự án được kỳ vọng là một trong những điểm nhấn hạ tầng trọng yếu bắc qua sông Hồng, góp phần giải tỏa áp lực giao thông khu vực nội đô và thúc đẩy liên kết vùng giữa trung tâm Hà Nội và huyện Đông Anh.
Theo thiết kế, dự án có tổng chiều dài khoảng 5,15km, điểm đầu kết nối với đường Nghi Tàm (quận Tây Hồ), điểm cuối nối với đường Trường Sa (huyện Đông Anh). Cầu chính là cầu dây văng với mặt cầu rộng 43m, nhịp chính dài 500m, trụ tháp cao 185m. Cầu sử dụng kết cấu đúc hẫng kết hợp thép hiện đại, đi kèm đường dẫn phía Tây rộng 48m và phía Đông rộng 60m. Ngoài ra, dự án còn bao gồm hai nút giao lớn, một hầm chui cùng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ như vỉa hè, chiếu sáng, cây xanh, chiếu sáng kiến trúc...
Tổng mức đầu tư dự án lên tới 19.830 tỷ đồng. Thời gian thi công dự kiến kéo dài 24 tháng, hoàn thành vào năm 2027.
Điểm đáng chú ý là Gói thầu EPC 09/TP2 – hợp phần thiết kế, cung cấp thiết bị, vật tư và thi công xây lắp – có giá trị hợp đồng lên tới 10.790 tỷ đồng. Liên danh trúng thầu gồm nhiều cái tên quen thuộc và tiềm lực lớn như: Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương (CPCG – Trung Quốc), Viện Thiết kế Cầu Lớn Trung Quốc, Vincons (công ty thành viên của Tập đoàn Vingroup – VIC), CTCP Đầu tư và Xây dựng Giao thông Phương Thành, Trung Chính, Hưng Phú. Đáng nói, đây là liên danh duy nhất nộp hồ sơ dự thầu.
Nếu như sự góp mặt của Vingroup là điều dễ hiểu thì cái tên CPCG – China Pacific Construction Group – chính là "ẩn số quyền lực" thu hút sự chú ý lớn nhất. Đây là lần hiếm hoi một doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc thuộc top đầu thế giới trực tiếp tham gia dự án hạ tầng trọng điểm tại Hà Nội.
CPCG được thành lập từ năm 1995 bởi doanh nhân Nghiêm Giới Hòa. Tập đoàn hiện xếp thứ 96 trong bảng xếp hạng Fortune Global 500 và thứ 19 trong danh sách 500 doanh nghiệp lớn nhất Trung Quốc. Năm 2023, CPCG đạt doanh thu khoảng 79,5 tỷ USD, lãi ròng gần 5,2 tỷ USD.
Tính đến nay, tập đoàn đang vận hành hơn 3.000 dự án khu công nghiệp và đô thị tại Trung Quốc. Hệ sinh thái của CPCG gồm hơn 500 công ty cổ phần và hơn 100 công ty đầu tư ra nước ngoài, trải dài từ châu Á, Trung Đông đến Đông Âu. Các lĩnh vực tập trung bao gồm: Giao thông, đô thị, logistics, thủy lợi, hạ tầng số và phát triển bền vững.
![]() |
Phối cảnh dự án cầu Tứ Liên vừa được khởi công tại TP. Hà Nội |
Không chỉ xuất hiện ở dự án cầu Tứ Liên, đầu năm 2024, CPCG cùng UBND TP. Hà Nội, Sở Giao thông Vận tải và Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược. Theo đó, ngoài cầu Tứ Liên, CPCG còn tham gia nghiên cứu dự án đường sắt đô thị số 5 (đoạn Văn Cao – Ngọc Khánh – Láng – Hòa Lạc) với vốn đầu tư dự kiến khoảng 65.000 tỷ đồng.
Tháng 6/2024, trong khuôn khổ Hội nghị WEF Đại Liên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc tiếp riêng ông Nghiêm Giới Hòa – người sáng lập CPCG. Tại buổi làm việc, Thủ tướng hoan nghênh CPCG chủ động đề xuất hợp tác, đồng thời kêu gọi tập đoàn đẩy mạnh phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để mở rộng đầu tư tại Việt Nam, nhất là ở các tỉnh biên giới phía Bắc – nơi có tiềm năng phát triển hạ tầng, logistics, kinh tế cửa khẩu.
Sau cú bắt tay chiến lược tại Hà Nội, CPCG nhanh chóng mở rộng tiếp cận tại nhiều tỉnh thành phía Bắc. Cuối năm 2024, tập đoàn làm việc với TP. Hải Phòng để tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các khu công nghiệp. Tháng 1/2025, CPCG tiếp tục xuất hiện tại Quảng Ninh với loạt đề xuất đầu tư: Hầm Cửa Lục, khu đô thị phía Bắc vịnh Cửa Lục, tuyến monorail Hòn Gai – Bãi Cháy – Bắc vịnh Cửa Lục...
Tháng 3/2025, tại Yên Bái, CPCG đề xuất nghiên cứu các tuyến đường liên kết vùng, cầu Báo Đáp, khu đô thị Yên Ninh và khu công nghiệp Y Can. Ngay sau đó, tập đoàn có các buổi làm việc liên tiếp với UBND tỉnh Lào Cai và Lạng Sơn về đầu tư hạ tầng giao thông, logistics, cửa khẩu thông minh và hợp tác kinh tế xuyên biên giới.
Tại buổi làm việc với tỉnh Bắc Ninh – một trong những trung tâm công nghiệp chiến lược của miền Bắc – đại diện CPCG cho biết dự kiến đặt trụ sở điều phối chính thức tại đây, khẳng định cam kết phát triển lâu dài tại Việt Nam.
Gần nhất, ngày 21/5, CPCG đã có buổi làm việc với UBND TP. HCM, đề xuất tham gia một số dự án hạ tầng trọng điểm tại thành phố, đồng thời nhấn mạnh cam kết “đảm bảo chất lượng, tối ưu chi phí và đúng tiến độ”.