Rằm tháng 7 Âm lịch với người Việt Nam là ngày xá tội vong nhân, cũng là dịp lễ Vu lan báo hiếu, mọi người hướng về tổ tiên, cội nguồn, về các đấng sinh thành, thể hiện tình thương yêu, bi mẫn đối với mọi chúng sinh.

Rằm tháng 7 2023 là ngày nào dương lịch?

Ngày mùng 1 tháng 7 Âm lịch năm nay nhằm vào 16/8 Dương lịch. Còn ngày Rằm tháng Bảy nhằm vào thứ Tư ngày 30/8 Dương lịch. Như vậy, chỉ còn 2 tuần nữa là các gia đình Việt đón ngày Xá tội vong nhân, cũng như làm lễ Vu lan báo hiếu cho cha mẹ, ông bà tổ tiên.

Truyền thống cúng Rằm tháng 7 ở Việt Nam xuất phát từ niềm tin rằng vào tháng 7 Âm lịch, Diêm vương sẽ mở Quỷ môn quan cho phép các vong hồn trở lại dương gian thăm chốn cũ, người xưa. Nhân dịp này, các gia đình soạn lễ để mời thân nhân đã khuất của mình, bố thí cho những cô hồn dã quỷ không ai cúng tế.

Có nên cúng Rằm tháng 7 trước 15 Âm lịch?

Khác với các ngày Rằm khác trong năm, nhiều người quan niệm cúng Rằm tháng 7 không nên thực hiện đúng ngày 15/7 Âm lịch mà nên thực hiện trước. Bởi theo quan niệm của người xưa, ngày 15 là ngày giới hạn của kỳ “mở cửa”, sau ngày này người cõi âm sẽ không thể nhận đồ được nữa.

Cũng có truyền thuyết kể lại trong “thế giới tâm linh” có một dòng sống chở hàng của người trần gửi cho người âm, đó là Sông Chở Mã. Sau ngày 15/7 Âm lịch, “thuyền chở mã” đã rời bến nên đốt mã sau ngày đó sẽ không có giá trị cho người âm nữa. Cũng vì quan niệm trên mà dân gian thường có thói quen cúng Rằm tháng 7 trước ngày 15 Âm lịch.

Rằm tháng 7 là ngày nào? Có nên cúng Rằm trước ngày 15 Âm lịch?

Về thời gian cúng Rằm tháng 7, người xưa thường thực hiện lễ Vu Lan cầu siêu, báo hiếu tổ tiên vào ban ngày. Còn lễ bố thí cho các cô hồn khi thất thế, sa cơ lỡ vận, không nơi nương nựa vào buổi chiều tối. Trong đó, mâm lễ cúng cô hồn thường không nên làm cỗ mặn như: thịt gà, xôi, thịt, chả, cá tôm… bởi theo quan niệm dân gian, đồ ăn mặn sẽ khơi dậy “tham, sân, si” ở các vong hồn khiến họ khó siêu thoát, quanh quẩn trần thế quẫy nhiều dương gian.

Lòng thành của con người thể hiện ở cái tâm, không cần chú trọng vào “mâm cao, cỗ đầy”. Mâm cỗ cúng cô hồn trong truyền thống thường bao gồm: cháo loãng, gạo, muôi, cơm trắng, canh, nước lã, xôi, chè (các loại chè), khoai (khoai lang, khoai sọ) luộc, bỏng ngô, hoa quả, bánh kẹo, trầu cau, thuốc lá, hương hoa, quần áo chúng sinh… Yêu cầu mâm cúng được trình bày đẹp mắt, sạch sẽ gọn gàng và thể hiện được thái độ trân trọng.

Nơi cúng cô hồn thường được đặt ở vỉa hè, khu vực ngã ba, cổng làng... Tuyệt đối không để mâm cúng trong nhà hoặc phạm vi nơi ở. Việc cúng cô hồn tiến hành sau khi đã cúng Phật, cúng thần linh, cúng gia tiên.

Theo tập tục truyền thống sau khi cúng lễ cô hồn xong phải thực hiện việc mời các vong đi, tức là phải có thủ tục “tiễn khách” để tránh đưa vong hồn vào nhà. Ở một số nơi, người dân còn vãi gạo, muối ra sân, đường làng.