Việt Nam đang bước vào một giai đoạn cải cách hành chính sâu rộng nhất trong ba thập kỷ qua với chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, từ 63 xuống còn khoảng 34 đơn vị. Đây không chỉ là sự thay đổi đơn thuần về mặt địa lý hành chính mà còn tạo ra những thay đổi căn bản trong cấu trúc vận hành kinh tế - tài chính tại các vùng lãnh thổ.
Sự hợp nhất các tỉnh hình thành những thực thể kinh tế quy mô lớn hơn, với quy mô thị trường tín dụng, hành vi tài chính và nhu cầu vốn đa dạng hơn. Các ngân hàng thương mại, nếu nhanh chóng thích ứng, có thể tái định vị địa bàn hoạt động, cơ cấu lại danh mục tín dụng, tinh gọn hệ thống chi nhánh và khai thác hiệu quả những động lực tăng trưởng mới, từ đó nâng cao vị thế trong cuộc cạnh tranh toàn ngành từ 2025 đến 2030.
![]() |
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. |
Tín dụng tăng tốc giữa địa bàn mở rộng
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), đến ngày 31/3/2025, tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt 16.230.311 tỷ đồng, tăng 3,93% so với cuối năm 2024. Mức tăng trưởng này gấp gần ba lần mức 1,34% cùng kỳ năm trước, ghi nhận tốc độ tăng tín dụng quý I cao nhất trong ba năm. Đây là kết quả trực tiếp của việc NHNN công khai nguyên tắc giao chỉ tiêu tín dụng từ cuối năm 2024, đồng thời triển khai lộ trình xóa bỏ phân bổ chỉ tiêu cứng theo Nghị quyết 62/2022/QH15, giúp các tổ chức tín dụng tự chủ hơn trong việc điều tiết tín dụng theo nhu cầu thực tế tại địa phương sau sáp nhập.
Cùng với đó, NHNN duy trì mặt bằng lãi suất thấp để hỗ trợ chi phí vốn cho doanh nghiệp, với lãi suất cho vay ngắn hạn đối với lĩnh vực ưu tiên hiện chỉ còn khoảng 4%/năm. Đồng thời, các chương trình tín dụng ưu đãi cho sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, tam nông cũng được triển khai mạnh mẽ, tạo nền tảng thúc đẩy tín dụng vào các lĩnh vực thực chất của nền kinh tế.
Tại khu vực 8, gồm Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình, tổng huy động vốn đến cuối tháng 2/2025 đạt 465.872 tỷ đồng, tăng 2,9%, còn dư nợ tín dụng đạt 535.688 tỷ đồng, tăng 1,5%. Trong đó, thương mại dịch vụ chiếm 60% dư nợ, công nghiệp xây dựng chiếm 25%, còn nông lâm thủy sản chiếm 13%. Tỷ lệ nợ xấu khu vực 8 duy trì ở mức 1,52%, với mức bao phủ nợ xấu đạt 104,4%, cho thấy tiềm năng bứt phá rất lớn nếu các ngân hàng nhanh chóng tái cơ cấu danh mục theo mô hình vùng kinh tế mới.
Bức tranh lợi nhuận ngân hàng: Phân hóa rõ rệt
Theo báo cáo tại các Đại hội đồng cổ đông thường niên, lợi nhuận trước thuế quý I/2025 của VietinBank đạt hơn 6.100 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ. Tính đến ngày 15/4/2025, VietinBank ước đạt lợi nhuận 9.417 tỷ đồng, tăng 19,6%. Trong khi đó, Techcombank báo lãi 7.236 tỷ đồng, giảm 7,2%, do thu nhập ngoài lãi giảm 12,1% và lãi thuần dịch vụ giảm 15,8%.
ACB đạt lợi nhuận trước thuế 4.600 tỷ đồng, giảm 6%, nhưng duy trì ROE trên 20% nhờ đa dạng hóa nguồn thu và tối ưu hóa chi phí. Sacombank nổi bật khi đạt 3.700 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 40%. VPBank ghi nhận lợi nhuận hơn 5.000 tỷ đồng, tăng 20%.
Theo kế hoạch, Vietcombank đặt mục tiêu 44.300 tỷ đồng lợi nhuận năm 2025, BIDV hướng tới 31.383 tỷ đồng, VPBank 25.270 tỷ đồng và ACB 23.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, lãnh đạo các ngân hàng như bà Nguyễn Đức Thạch Diễm – Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng quản trị Sacombank, hay ông Từ Tiến Phát – Tổng Giám đốc ACB đều cảnh báo rằng các yếu tố như chính sách thuế quan mới của Mỹ, biến động tỷ giá, nhu cầu tiêu dùng suy giảm có thể ảnh hưởng đến đà tăng trưởng lợi nhuận nửa cuối năm.
Tái cơ cấu danh mục tín dụng: Khúc ngoặt chiến lược
Việc các tỉnh thành hợp nhất buộc ngân hàng thương mại phải tái cấu trúc danh mục tín dụng theo mô hình kinh tế vùng. Tại khu vực 7, Vietcombank đã định hướng rõ ràng tín dụng vào các lĩnh vực thủy điện hiệu quả, khu công nghiệp, hạ tầng giao thông trọng điểm, xuất khẩu và doanh nghiệp F&B. Dư nợ ưu tiên khu vực này đã đạt gần 22.000 tỷ đồng, chiếm 46% tổng dư nợ chi nhánh, trong đó nông nghiệp nông thôn chiếm 48%.
Agribank khu vực 8 cũng chủ động dịch chuyển tín dụng, tập trung mạnh vào tam nông với dư nợ 235.394 tỷ đồng, chiếm 44% dư nợ toàn khu vực. Đồng thời, Agribank cũng đẩy mạnh giải ngân cho vay nông nghiệp công nghệ cao với tổng dư nợ đạt 9.667 tỷ đồng.
Cơ cấu tín dụng bất động sản tại khu vực 8 đang được điều chỉnh phù hợp, với tổng dư nợ lĩnh vực này còn 54.089 tỷ đồng, chủ yếu phục vụ tiêu dùng nhà ở, không tập trung vào đầu tư kinh doanh bất động sản. Điều này cho thấy xu hướng dịch chuyển tín dụng theo hướng an toàn, bền vững, ít rủi ro hơn, phù hợp với yêu cầu kiểm soát tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro mà NHNN đặt ra.
Triển vọng bứt phá: Cơ hội chỉ đến với ngân hàng dám hành động
Dự báo cả năm 2025, tín dụng toàn ngành sẽ tăng trưởng 17–18%, vượt mục tiêu 16%. Tuy nhiên, chênh lệch huy động – tín dụng đã lên tới hơn 1,1 triệu tỷ đồng tính đến cuối quý I/2025, tạo áp lực lớn lên thanh khoản và chi phí vốn đầu vào của hệ thống ngân hàng.
Trong bối cảnh này, các ngân hàng cần đồng thời đẩy mạnh huy động vốn, kiểm soát rủi ro tín dụng và tối ưu hóa chi phí vận hành, đặc biệt là thông qua chuyển đổi số và phát triển ngân hàng số. Chiến lược tái cơ cấu danh mục tín dụng theo hướng tập trung vào sản xuất kinh doanh thực, logistics xanh, hạ tầng giao thông và nhà ở xã hội sẽ là hướng đi chủ đạo.
Tuy nhiên, không phải ngân hàng nào cũng có thể tận dụng cơ hội sáp nhập tỉnh thành. Chỉ những ngân hàng có năng lực phân tích rủi ro địa bàn mạnh mẽ, chiến lược phân bổ vốn bài bản, khả năng chuyển đổi số toàn diện và văn hóa vận hành linh hoạt mới có thể vươn lên dẫn đầu trong cuộc chơi tái cấu trúc lớn nhất này. Những đơn vị đi chậm, bảo thủ, thiếu năng lực phân tích vùng sẽ nhanh chóng bị tụt lại phía sau trong kỷ nguyên mới của thị trường tài chính Việt Nam.