Theo Báo Tuổi Trẻ, vào đầu tháng 6/2025, Sở Tài chính TP.HCM đã chủ trì cuộc họp với Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường cùng Tập đoàn Vingroup (HoSE: VIC) và CTCP Đầu tư và Phát triển đường sắt cao tốc VinSpeed về đề xuất đầu tư tuyến đường sắt đô thị tốc độ cao kết nối trung tâm TP. HCM với huyện Cần Giờ.
Tại cuộc họp, nhà đầu tư đề xuất thực hiện dự án bằng nguồn vốn trực tiếp, không sử dụng ngân sách Nhà nước. Trên cơ sở đó, Sở Tài chính đề nghị nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ đề xuất và nộp lại để có căn cứ xem xét, thẩm định. Hiện hồ sơ vẫn đang được nhà đầu tư bổ sung, hoàn chỉnh.
Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Bùi Xuân Cường đã giao Sở Tài chính khẩn trương đôn đốc nhà đầu tư sớm hoàn thiện hồ sơ theo quy định. Đồng thời, đơn vị này cũng được giao chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan rà soát các quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực đường sắt; tham mưu và đề xuất quy trình, thủ tục đầu tư đối với các dự án đường sắt đô thị do nhà đầu tư đề xuất (không sử dụng vốn ngân sách) và báo cáo UBND TP. HCM trong tháng 7/2025.
Dự án metro TP. HCM - Cần Giờ đã được Thủ tướng Phạm Minh Chính trực tiếp giao nhiệm vụ cho Chủ tịch Tập đoàn Vingroup nghiên cứu phương án đầu tư vào đầu năm 2025. Theo đề xuất, dự án được xây dựng theo tiêu chuẩn đường đôi, khổ ray 1.435mm, sử dụng điện khí hóa, với tổng chiều dài khoảng 48,5km. Tuyến có tốc độ thiết kế tối đa 250km/h, tải trọng trục 17 tấn. Điểm đầu đặt tại đường Nguyễn Văn Linh (đoạn giữa nút giao Nguyễn Thị Thập và Lý Thục Mạn, quận 7), điểm cuối tại khu đất rộng 39ha, giáp ranh với khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ (do Vingroup đang triển khai).
![]() |
Tuyến metro TP. HCM - Cần Giờ (Ảnh minh họa) |
Trước đó, VinSpeed cũng từng gây chú ý khi đề xuất đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với tổng mức đầu tư khoảng 1,562 triệu tỷ đồng (tương đương 61,35 tỷ USD, chưa bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng và tái định cư). Theo phương án tài chính của doanh nghiệp, VinSpeed cam kết tự thu xếp 20% vốn (khoảng 312.000 tỷ đồng), phần còn lại đề xuất vay từ nguồn vốn Nhà nước với lãi suất 0%, thời gian hoàn trả trong 35 năm kể từ thời điểm giải ngân.
Doanh nghiệp cho rằng mô hình huy động vốn này sẽ góp phần giảm áp lực lên ngân sách Nhà nước, đồng thời mở ra cơ hội thu hút nguồn lực xã hội cho một trong những dự án hạ tầng chiến lược lớn nhất cả nước.