CTCP Tập đoàn CIENCO4 (UPCoM: C4G) vừa công bố kế hoạch kinh doanh cho năm 2025, đặt mục tiêu tổng doanh thu đạt 4.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế trên 200 tỷ đồng. Các chỉ tiêu này lần lượt thể hiện mức tăng trưởng dự kiến 19% về doanh thu và 12% về lợi nhuận so với kết quả thực hiện năm 2024. Nếu hoàn thành, năm 2025 sẽ đánh dấu mức lợi nhuận kỷ lục của tập đoàn.
Để hiện thực hóa mục tiêu, CIENCO4 xác định nhiều hướng đi chiến lược. Tập đoàn sẽ tiếp tục triển khai đầu tư một số hạng mục thuộc dự án Khu du lịch, dịch vụ hỗn hợp và nghỉ dưỡng Cầu Cau, với tổng vốn đầu tư 1.700 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, một nhiệm vụ quan trọng là làm việc với Bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan liên quan để Chính phủ sớm có quyết định hỗ trợ thanh toán phần vốn đã đầu tư cho dự án BOT Thái Nguyên – Chợ Mới. Nguồn vốn thu hồi từ đây dự kiến sẽ được CIENCO4 tái đầu tư vào các dự án khác, tạo động lực tăng trưởng mới.
![]() |
Vinaconex và CIENCO4 lên kế hoạch tham gia dự án đường sắt tốc độ cao 67 tỷ USD |
Đáng chú ý, CIENCO4 thể hiện rõ định hướng tham gia vào các đại dự án hạ tầng quốc gia. Tập đoàn đang trong quá trình nghiên cứu và chuẩn bị kỹ lưỡng về nguồn nhân lực, năng lực công nghệ – thiết bị, cũng như hợp tác với các đối tác chiến lược để sẵn sàng đảm nhận vai trò xây dựng tại các dự án như đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, tuyến đường sắt trục Đông – Tây và các tuyến Metro tại Hà Nội và TP. HCM.
Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex – HoSE: VCG) cũng vừa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2025. Trong năm nay, doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 15.000 tỷ đồng, tăng trưởng 18%; lợi nhuận sau thuế đạt 1.200 tỷ đồng, tăng hơn 8% so với năm 2024. Tỷ lệ cổ tức được duy trì ở mức 16%.
Ban lãnh đạo Vinaconex xác định 3 lĩnh vực trụ cột gồm: Xây lắp, bất động sản và đầu tư tài chính. Đặc biệt, Ban Tổng giám đốc cho biết sẽ chuẩn bị nguồn lực để tham gia các lĩnh vực mới như đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao, điện gió và điện hạt nhân.
![]() |
Lễ khai giảng lớp đào tạo kỹ sư đường sắt do Vinaconex và Trường Đại học xây dựng Hà Nội phối hợp tổ chức |
Nhằm đón đầu xu hướng phát triển hạ tầng quốc gia, Vinaconex đã thành lập Trung tâm đào tạo Vinaconex, tập trung vào chuyên ngành đường sắt cao tốc và đường sắt đô thị, sẵn sàng nguồn nhân lực cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, có tổng mức đầu tư dự kiến 67 tỷ USD.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam có chiều dài hơn 1.500km, thiết kế tốc độ lên đến 350 km/h, đi qua 20 tỉnh, thành phố. Đây là một trong những dự án hạ tầng quy mô lớn nhất lịch sử Việt Nam, với tổng giá trị xây dựng ước tính khoảng 33,5 tỷ USD, theo Bộ Giao thông Vận tải.
Hòa Phát, THACO, Đèo Cả sẵn sàng 'giương cờ' tiên phong
Trước đó, Chính phủ đã làm việc với Tổng cục Công nghiệp (Bộ Quốc phòng) và Tập đoàn Hòa Phát, khuyến khích chuẩn bị nguồn lực phát triển ngành công nghiệp đường sắt. Các doanh nghiệp xây dựng lớn như Coteccons, FECON, CIENCO, Vinaconex, Đèo Cả cũng được kêu gọi tham gia vào các gói thầu hạ tầng quan trọng. Tuy nhiên, xây dựng hạ tầng chỉ chiếm 40% giá trị dự án, còn 60% là công nghệ, đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ với các nhà thầu quốc tế.
Theo thông tin từ báo Quảng Ngãi, Ban Quản lý đang tích cực hỗ trợ nhà đầu tư hoàn tất các thủ tục pháp lý cần thiết. Dự kiến, trong tháng 4/2025, Hòa Phát (HoSE: HPG) sẽ khởi công nhà máy sản xuất ray đường sắt và thép đặc biệt, cung cấp vật tư cho các dự án giao thông trọng điểm.
![]() |
Tỷ phú Trần Đình Long – Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát khẳng định sẵn sàng tham gia sản xuất ray đường sắt cao tốc, đường sắt đô thị. |
Tập đoàn Đèo Cả cũng đã lên kế hoạch đón đầu xu hướng. Ngoài việc tìm kiếm giải pháp chuyển đổi số, doanh nghiệp này còn định hướng tham gia sản xuất đầu máy, toa xe, nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa. Đồng thời, Đèo Cả triển khai các chương trình công tác nước ngoài, đặc biệt tại Nhật Bản và Trung Quốc, để học hỏi kinh nghiệm đào tạo, vận hành và tiếp cận công nghệ hiện đại.
Ông Nguyễn Quang Huy – Tổng Giám đốc Đèo Cả chia sẻ: “Chúng tôi có thế mạnh về nhân lực và tài chính. Hiện doanh nghiệp đang xúc tiến hợp tác với các đối tác quốc tế uy tín trong lĩnh vực công nghệ đường sắt, định hướng nội địa hóa sản xuất phục vụ cho các dự án tốc độ cao sắp tới”.
Không chỉ Hòa Phát và Đèo Cả, Tập đoàn Trường Hải (THACO) của tỷ phú Trần Bá Dương cũng được kỳ vọng sẽ đóng vai trò lớn trong chuỗi giá trị ngành đường sắt. Trong chuyến thăm nhà máy THACO tại KKT Chu Lai, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề nghị doanh nghiệp nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và tham gia sản xuất toa tàu, tiến tới sản xuất đầu máy.
Ông Trần Bá Dương – Chủ tịch THACO khẳng định: “Chúng tôi sẽ tham gia xây dựng đường sắt đô thị, đặc biệt là sản xuất toa tàu, cấu kiện thép. Với nguồn lực R&D, kỹ sư và hợp tác quốc tế, chúng tôi sẽ tổ chức sản xuất tại chỗ, giảm giá thành, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi sản xuất”.