Từ sáng sớm đến nửa đêm, những nông dân như ông Hoàng Kỳ Quân ở Hải Nam chăm sóc từng trái sầu riêng non trẻ bằng tay, thậm chí buộc quả vào cành để tránh rụng sớm. Đồn điền của ông gồm hơn 10.000 cây, nhưng tất cả đều chưa đến 5 năm tuổi – quá trẻ so với những cây hàng chục, thậm chí hàng trăm năm tuổi ở Thái Lan, Malaysia hay Việt Nam.
Chất lượng sầu riêng phụ thuộc nhiều vào tuổi cây. Theo giới chuyên môn, cây càng già, quả càng ngọt, béo và nhiều. Do đó, dù Hải Nam đã và đang mở rộng diện tích trồng sầu riêng, việc kỳ vọng có thể cạnh tranh với các nước Đông Nam Á vẫn còn xa vời.
Ông Du Baizhong, Tổng giám đốc Công ty Nông nghiệp Hải Nam Youqi – đơn vị tiên phong và lớn nhất trong ngành trồng sầu riêng tại Trung Quốc – thẳng thắn thừa nhận: "Ngay cả khi toàn bộ đảo Hải Nam được phủ kín sầu riêng, chúng tôi cũng không thể đáp ứng được nhu cầu nội địa".
![]() |
Sầu riêng tại Hải Nam còn quá trẻ so với các cây ở Thái Lan, Việt Nam. Ảnh minh họa |
Số liệu cho thấy, năm 2024, Trung Quốc nhập khẩu tới 1,56 triệu tấn sầu riêng, trị giá gần 7 tỷ USD. Trong đó, Thái Lan giữ vững vị thế là nhà cung cấp lớn nhất, theo sau là Việt Nam – quốc gia phá vỡ thế độc quyền xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc từ năm 2022. Gần đây, Philippines và Malaysia cũng lần lượt gia nhập thị trường.
Trong khi đó, sản lượng sầu riêng nội địa của Trung Quốc vẫn khiêm tốn. Năm 2023, Youqi thu hoạch được khoảng 260 tấn sầu riêng. Dự kiến năm 2025, sản lượng sẽ đạt khoảng 500–600 tấn – con số nhỏ bé nếu so với hàng trăm nghìn tấn của Thái Lan hay Việt Nam.
Điều đáng chú ý là giá bán sầu riêng nội địa cao gấp đôi so với sầu riêng nhập khẩu. Nguyên nhân chính nằm ở kinh nghiệm trồng trọt còn hạn chế, khí hậu thất thường và chi phí lao động cao hơn. Thêm vào đó, quy mô trồng còn nhỏ lẻ, cây non năng suất thấp cũng khiến giá thành đội lên.
Một điểm cộng lớn của sầu riêng Hải Nam là độ tươi. Ông Du cho biết, tại Hải Nam, sầu riêng được phép chín cây tự nhiên, thu hoạch và vận chuyển đến tay người tiêu dùng trong vòng 48 giờ bằng đường hàng không – mang lại hương vị đậm đà, cấu trúc quả hoàn chỉnh hơn.
Ngược lại, phần lớn sầu riêng nhập khẩu từ Đông Nam Á được thu hoạch ở độ chín 60–70% rồi ủ chín bằng hóa chất ethylene, kéo dài thời gian bảo quản nhưng làm giảm chất lượng, gây mùi khét không tự nhiên.
![]() |
Sầu riêng nội địa Trung Quốc tươi nhưng giá thành quá cao. Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, lợi thế này không đủ bù đắp cho những hạn chế về sản lượng và giá thành. Theo ông Du, cây sầu riêng ở Hải Nam hiện chỉ cao khoảng 7 mét, trong khi ở các đồn điền trưởng thành tại Đông Nam Á, cây có thể cao tới 30 mét. Mỗi cây hiện chỉ cho vài chục quả mỗi vụ, dự kiến sẽ tăng lên hơn 100 quả sau khoảng 10 năm nữa.
Khí hậu Hải Nam, dù nằm ở vĩ độ tương tự các nước Đông Nam Á, vẫn không hoàn toàn lý tưởng để trồng sầu riêng. Đảo này chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của gió mùa, dẫn đến sự biến động nhiệt độ và lượng mưa thất thường – điều tối kỵ đối với loại cây ưa khí hậu ổn định như sầu riêng.
Những nỗ lực đầu tiên của Youqi từ năm 2019 cũng đã phải trả giá đắt: chỉ 60% cây giống sống sót, gây thiệt hại lên tới 70 triệu nhân dân tệ (khoảng 9,6 triệu USD). Mặc dù những lứa cây trồng sau có tỷ lệ thành công cao hơn, con đường đưa sầu riêng Trung Quốc thành sản phẩm phổ biến trên thị trường nội địa vẫn còn rất dài.
Hiện tại, vùng trồng sầu riêng ở Trung Quốc chỉ giới hạn trong một dải hẹp từ vĩ độ 18 đến 19 độ bắc tại cực nam đảo Hải Nam. Các nghiên cứu nhằm phát triển giống sầu riêng chịu lạnh đang được tiến hành, nhưng các chuyên gia dự báo sẽ mất ít nhất một thập kỷ để có kết quả.