Báo VnExpress dẫn nhận định của Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt nam Đặng Phúc Nguyên, đây là tín hiệu tích cực trong bối cảnh ngành từng sụt giảm trong những tháng đầu năm. Xu hướng phục hồi của ngành có sự đóng góp của sầu riêng. Với nguồn cung đạt chuẩn, tỷ lệ tồn dư cadimi thấp tại các vùng trồng trọng điểm cùng với việc kiểm soát chất lượng chặt chẽ từ khâu thu hoạch đến đóng gói đã giúp doanh nghiệp đưa sầu riêng quay lại các thị trường như Trung Quốc và Thái Lan.
Cùng với đó, dừa, xoài chế biến và chanh leo cũng ghi nhận mức tăng trưởng tốt. Một số thị trường như Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan và Hà Lan tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ấn tượng. Tuy nhiên, xuất khẩu sang Trung Quốc đại lục sụt giảm 24% và Thái Lan giảm 29%, cho thấy áp lực từ các rào cản kỹ thuật vẫn còn hiện hữu.
![]() |
Ảnh minh họa - Nguồn: Nguyễn Thủy/Báo Nông nghiệp và Môi trường |
Ở chiều ngược lại, ước tính sơ bộ, trong tháng 7/2025, Việt Nam đã chi khoảng 234,624 triệu USD để nhập khẩu rau quả, tăng 9,3% so với tháng tước và tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 7 tháng đầu năm 2025, sơ bộ toàn ngành đã chi khoảng 1,435 tỷ USD nhập khẩu rau quả, so với cùng kỳ năm trước ghi nhận tăng 16,9%.
Trong những tháng đầu năm, ngành rau quả gặp khó khăn do xuất khẩu sầu riêng giảm. Tuy nhiên, với những tín hiệu tích cực trong thời gian gần đây, ngành này kỳ vọng phục hồi trong mùa cao điểm tiêu dùng cuối năm.
Theo báo Đầu tư, dự báo xuất khẩu rau quả của Việt Nam có cơ hội phục hồi trong nửa cuối năm 2025. Nhận định trên dựa vào các yếu tố sau:
Thứ nhất, với các nỗ lực của doanh nghiệp trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn mới của thị trường, đặc biệt là Trung Quốc và việc đẩy mạnh đa dạng thị trường, kim ngạch xuất khẩu có thể sẽ phục hồi trong những tháng cuối năm.
Thứ hai, việc giải quyết các rào cản kỹ thuật và quy định kiểm dịch thực vật mới của Trung Quốc sẽ là chìa khóa để phục hồi xuất khẩu sầu riêng và các mặt hàng rau quả khác sang thị trường này.
Thứ ba, các thị trường như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU và Australia sẽ tiếp tục là trọng tâm để các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt là các sản phẩm chế biến sâu có giá trị gia tăng cao.
Thứ tư, việc tăng cường chế biến sâu sẽ giúp giảm sự phụ thuộc vào xuất khẩu trái cây tươi và giải quyết các vấn đề về bảo quản sau thu hoạch, giảm thiểu rủi ro khi thị trường biến động.