Ngày 24/5, Cục Hàng hải Việt Nam đã tổ chức Hội nghị đánh giá việc tiếp nhận tàu trọng tải lớn. Theo đó, Cục Hàng hải nhận định, số lượng tàu trọng tải lớn vào các cảng biển Việt Nam đang tăng lên. Hệ thống cảng biển Việt Nam cần có sự chuẩn bị để đón tàu an toàn.

Hiện hệ thống cảng biển Việt Nam gồm 34 cảng. Trong đó, 30 cảng có thể tiếp nhận tàu có trọng tải lớn hơn thiết kế, có 13 cảng có bến cảng đã được Bộ Giao thông vận tải chấp thuận chủ trương cho phép đón tàu có trọng tải lớn. Các bến cảng chủ yếu tại khu vực cảng biển Hải Phòng, Vũng Tàu, TP. HCM.

Số lượng tàu có trọng tải lớn hơn thiết kế tại các khu vực có bến cảng được chấp thuận trong 5 năm qua đều tăng trưởng, từ 4.538 lượt vào năm 2019 đã tăng lên 5.474 lượt vào năm 2023. Phí bảo đảm hàng hải, phí trọng tải tại các cảng vụ hàng hải có tiếp nhận tàu trọng tải lớn cũng tăng từ 2.779 tỷ đồng năm 2019 lên 3.450 tỷ đồng năm 2023.

Cụm cảng Cái Mép-Thị Vải: Xác lập nhiều kỷ lục mới

Một góc cảng Cái Mép - Thị Vải

Cảng TC-HICT tại cụm cảng Lạch Huyện (Hải Phòng) đã đón tàu có trọng tải tới 145.000 DWT, cảng Germadept Terminal Link thuộc cụm cảng Cái Mép - Thị Vải đã đón siêu tàu container lớn nhất thế giới với trọng tải 225.000 DWT.

Cục Hàng hải Việt Nam đánh giá, việc tiếp nhận tàu có trọng tải lớn vào làm hàng tại các khu vực cảng biển đã góp phần tăng hiệu quả khai thác cho các hãng tàu, giảm chi phí vận tải, tăng tính cạnh tranh cho cảng biển Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương và khu vực.

Tuy nhiên, việc đón tàu trọng tải lớn còn nhiều bất cập, tiềm ẩn nhiều rủi ro, cần đánh giá và nghiên cứu thêm trong thời gian tới. Cục Hàng hải Việt Nam đề nghị các địa phương có kế hoạch, quy hoạch rõ ràng và các doanh nghiệp, hiệp hội cần tiếp tục có góp ý tới cơ quan quản lý nhà nước để có phương án đón tàu an toàn, phù hợp, hạn chế nguy cơ tàu bị mắc cạn, trôi dạt, đâm va...