Không chỉ thúc đẩy sản xuất xe điện, Trung Quốc đang cho thấy chiến lược toàn diện và có tính toán kỹ lưỡng trong việc xây dựng hạ tầng sạc nhằm đảm bảo quá trình chuyển đổi từ xe xăng sang xe máy điện diễn ra suôn sẻ, không bị gián đoạn.

Phủ trạm sạc và phổ cập mô hình đổi pin

Hiểu rõ rằng thành công của thị trường xe điện không đến từ sự ngẫu nhiên mà là kết quả của một chiến lược bài bản, Trung Quốc đã lựa chọn mô hình “kép”: vừa mở rộng mạng lưới sạc điện công cộng truyền thống, vừa thúc đẩy mô hình đổi pin nhanh.

Hệ thống trạm sạc cắm điện hiện vẫn là nền tảng chủ lực, với các trụ sạc được lắp đặt dày đặc tại trung tâm thương mại, tòa nhà văn phòng, điểm dừng nghỉ trên cao tốc, thậm chí cả ở các khu vui chơi ngoại thành.

Sống giữa hàng nghìn xe điện ở chung cư, nhiều người lo lắng trạm sạc: Trung Quốc đang ‘giải bài toán’ như nào?
Trung Quốc có mô hình đổi pin cho xe máy điện. Ảnh: Tổng hợp

Tuy nhiên, mô hình này đối mặt với nhiều thách thức về chi phí đầu tư (khoảng 120 triệu đồng cho một trụ sạc), lợi nhuận mỏng và phụ thuộc vào mật độ người dùng. Để thu hút doanh nghiệp tham gia, chính phủ Trung Quốc triển khai hỗ trợ như cho thuê đất dài hạn tối thiểu 10 năm, tạo hành lang pháp lý ổn định để đầu tư.

Trong khi đó, mô hình đổi pin nhanh lại đang nổi lên như một giải pháp “giải cứu” người dùng khỏi nỗi lo hết pin giữa đường. Chỉ mất vài phút, thậm chí vài chục giây để đổi pin, người dùng có thể tiếp tục hành trình mà không cần chờ đợi sạc. Nhờ tách riêng chi phí pin – vốn chiếm tới 1/3 giá trị xe – mô hình thuê pin theo tháng giúp hạ thấp rào cản sở hữu xe điện và loại bỏ lo ngại về tuổi thọ pin.

Bài toán ‘cắm điện’ sạc ở chung cư không dễ

Một trong những thách thức lớn nhất hiện nay là cung cấp giải pháp sạc an toàn cho hàng triệu chiếc xe máy điện trong các khu chung cư, nhà ở mật độ cao. Trung Quốc đã giải bài toán này bằng chiến lược quy hoạch song hành với phát triển hạ tầng.

Tại các thành phố lớn như Bắc Kinh, chính quyền yêu cầu tất cả công trình nhà ở thương mại, nhà xã hội, công cộng mới phải tích hợp khả năng lắp trạm sạc. Cụ thể, 40% chỗ đỗ xe tại nhà thương mại, 18-30% tại nhà ở xã hội phải có sẵn hạ tầng. Ngoài ra, các trạm sạc buộc phải đặt trên mặt đất, không ở tầng hầm sâu để đảm bảo an toàn cháy nổ và khả năng cứu hộ.

Đối với các chung cư cũ, giải pháp linh hoạt hơn được áp dụng: xây trạm sạc công cộng có kiểm soát ngay bên ngoài khu dân cư. Mô hình này không chỉ đảm bảo an toàn mà còn thúc đẩy sự hợp tác giữa chính quyền, doanh nghiệp sạc điện và ban quản lý chung cư trong việc chia sẻ chi phí, quản lý và lợi ích đầu tư.

Sống giữa hàng nghìn xe điện ở chung cư, nhiều người lo lắng trạm sạc: Trung Quốc đang ‘giải bài toán’ như nào?
Trung Quốc đang dần "giải bài toán" sạc điện ở chung cư. Ảnh: Tổng hợp

Các sáng kiến quy hoạch sáng tạo cũng được triển khai để tận dụng không gian. Chẳng hạn, một chỗ đỗ ô tô có thể chuyển đổi thành nơi đỗ và sạc cho 8 xe máy điện, góp phần giải quyết áp lực hạ tầng tại đô thị đông đúc.

Phải có nhiều tầng bảo vệ an toàn

Không chỉ dừng ở quy hoạch, Trung Quốc còn đặt ra các quy định nghiêm ngặt nhằm đảm bảo an toàn tại các điểm sạc. Người dân được khuyến cáo không sạc xe khi pin còn nóng, tránh sạc quá 8 giờ, không sạc qua đêm khi không có người trông coi.

Một số chung cư thậm chí còn đưa ra quy định nội bộ chặt chẽ hơn: quy định khung giờ sạc, cắt nguồn điện sạc sau 23 giờ mỗi đêm để phòng ngừa cháy nổ. Lớp kiểm soát cuối cùng này thể hiện sự đồng bộ từ chính sách vĩ mô đến quản lý vi mô trong việc kiến tạo một môi trường xe điện an toàn, hiệu quả và bền vững.