Cổ phiếu ngân hàng vẫn hấp dẫn
Dù thị trường tài chính toàn cầu tiếp tục tiềm ẩn nhiều bất ổn, nhóm cổ phiếu ngân hàng – thường được ví như “cổ phiếu vua” – vẫn cho thấy sức hút nhất định nhờ các yếu tố nội tại hỗ trợ tăng trưởng. Trong báo cáo mới công bố, SSI Research dự báo lợi nhuận ngành ngân hàng sẽ tăng lần lượt 14% và 16% trong năm 2025 và 2026, nhờ tín dụng tăng mạnh, NIM ổn định và chi phí tín dụng dần cải thiện.
SSI cho rằng, trong bối cảnh thế giới đối mặt với rủi ro từ thuế đối ứng và căng thẳng địa chính trị, tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào các động lực nội tại. Trong đó, hai lĩnh vực có vai trò dẫn dắt là bất động sản và hạ tầng – vốn đang được hỗ trợ mạnh mẽ từ chính sách.
Sự phục hồi của thị trường nhà ở sơ cấp, kết hợp với các dự án đầu tư công quy mô lớn, sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu tín dụng trong nửa cuối năm. Nguồn cung căn hộ tăng trở lại, giá bất động sản phục hồi, và lãi suất vay mua nhà ở mức thấp (5,5–7%) là những yếu tố kích thích thanh khoản thị trường, đặc biệt tại các thành phố lớn.
Một thay đổi chính sách đáng chú ý là việc Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu đề xuất bỏ cơ chế hạn mức tín dụng từ năm 2026. Theo SSI, đây là bước tiến tích cực về dài hạn, nhưng cần đi kèm với các yêu cầu cao hơn về an toàn vốn (CAR) và quản trị rủi ro để tránh lặp lại tình trạng tăng trưởng nóng.
Nếu quy định mới được thực thi, bức tranh thị phần sẽ có sự dịch chuyển rõ nét, có lợi cho các ngân hàng có bộ đệm vốn tốt và năng lực cho vay cao hơn, nhờ không bị giới hạn bởi quota tín dụng như trước đây.
Môi trường lãi suất trong nửa cuối năm 2025 được đánh giá là tiếp tục ổn định, nhờ thanh khoản hệ thống dồi dào và sự hỗ trợ từ NHNN. Tuy nhiên, SSI cảnh báo các yếu tố mùa vụ cuối năm, cùng tỷ lệ LDR cao (107%) và giải ngân đầu tư công tăng tốc, có thể tạo áp lực ngắn hạn lên thanh khoản, nhất là tại khối ngân hàng quốc doanh.
Trong khi đó, NIM vẫn chịu sức ép cạnh tranh – đặc biệt trong phân khúc vay mua nhà. Tuy nhiên, khi nhu cầu tín dụng mở rộng sang các lĩnh vực sản xuất, hạ tầng và tiêu dùng, biên lãi ròng của hệ thống được kỳ vọng sẽ phục hồi từ năm 2026, nhất là khi phần lớn khoản vay chuyển sang lãi suất thả nổi.
Dù vậy, SSI đánh giá NIM khó có thể quay lại mức cao như giai đoạn 2020–2021 do môi trường cạnh tranh hiện nay mang tính cấu trúc và gay gắt hơn.
Trước áp lực thu hẹp NIM, nhiều ngân hàng đang đẩy mạnh mở rộng sang lĩnh vực quản lý tài sản nhằm tăng thu ngoài lãi. Nếu được thí điểm tại các Trung tâm Tài chính Quốc tế ở TP.HCM và Đà Nẵng, việc cung cấp dịch vụ liên quan đến vàng và tài sản số có thể trở thành chất xúc tác cho chuyển đổi mô hình kinh doanh ngân hàng.
Theo SSI, các dịch vụ này không chỉ tạo nguồn thu từ phí dịch vụ mà còn giúp ngân hàng củng cố mối quan hệ với nhóm khách hàng có giá trị tài sản ròng cao – đúng theo xu hướng phát triển toàn cầu.
![]() |
Nguồn: SSI |
Ngân hàng nào sẽ dẫn dắt đà tăng trưởng nửa cuối 2025?
Một điểm sáng chính sách khác là việc Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng, trong đó luật hóa Nghị quyết 42, cho phép ngân hàng thu giữ tài sản bảo đảm, đồng thời cấp khoản vay đặc biệt 0% cho tổ chức tín dụng yếu kém.
SSI nhận định, đây là bước ngoặt trong xử lý nợ xấu, giúp rút ngắn thời gian thu hồi nợ, giảm chi phí trích lập và mở rộng khả năng cấp tín dụng. Các ngân hàng có tỷ trọng cho vay bán lẻ cao như VIB, TPB, OCB, MSB được kỳ vọng sẽ hưởng lợi lớn từ chính sách mới.
Hiện tại, nhóm cổ phiếu ngân hàng đang giao dịch với P/B dự phóng trung bình khoảng 1,1x, thấp hơn đáng kể so với mức trung bình lịch sử 1,68x từ năm 2017. Nhiều mã như VCB, BID, ACB, VPB vẫn trong vùng định giá thấp, trong khi các mã như TCB, MBB, CTG, STB đã vượt đỉnh lịch sử, phản ánh sự phân hóa ngày càng rõ nét.
SSI cho rằng sự phân hóa này đến từ kỳ vọng của nhà đầu tư về năng lực thích ứng với chính sách mới, chất lượng tài sản, và triển vọng phục hồi lợi nhuận.
Từ những phân tích trên, có thể thấy nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn sở hữu nhiều yếu tố hỗ trợ tăng trưởng trong trung hạn, đặc biệt trong bối cảnh khung pháp lý được hoàn thiện, lãi suất ổn định, tín dụng mở rộng và quá trình xử lý nợ xấu được đẩy nhanh. Tuy nhiên, triển vọng không phân bổ đồng đều, mà sẽ phân hóa mạnh theo năng lực tài chính và chiến lược riêng của từng ngân hàng.
Theo khuyến nghị của SSI Research, những cổ phiếu ngân hàng đáng chú ý nhất trong nửa cuối năm 2025 và cả năm 2026 là các mã có chi phí vốn thấp, dư nợ cho vay bất động sản cao – có thể tận dụng đà phục hồi thị trường, hoặc có câu chuyện phục hồi rõ ràng, đặc biệt từ việc giảm chi phí trích lập và thu hồi nợ xấu hiệu quả.
Cụ thể, CTG, MBB, TCB, STB và VPB là nhóm được SSI ưu tiên lựa chọn trong danh mục đầu tư. Đây là những ngân hàng:
- Có khả năng tận dụng chính sách gỡ bỏ trần tín dụng (nhờ bộ đệm vốn mạnh).
- Hưởng lợi từ Luật hóa Nghị quyết 42 trong xử lý nợ xấu.
- Và sở hữu định giá vẫn còn hấp dẫn nếu xét về tiềm năng lợi nhuận và vị thế dài hạn.
Trong bối cảnh dòng tiền đang có xu hướng tìm đến các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, rủi ro pháp lý thấp và triển vọng tăng trưởng thực chất, ngành ngân hàng – đặc biệt là nhóm dẫn đầu – tiếp tục là “ứng cử viên sáng giá” để nhà đầu tư cân nhắc “chọn mặt gửi vàng”.