Không phải là loại cây ăn trái hay rau củ quen thuộc, cây đô la nổi bật nhờ đặc điểm hình thái độc đáo: lá non màu sáng bạc óng ánh, khi trưởng thành chuyển sang màu xanh phủ lớp bụi sương mờ ảo. Chính vẻ ngoài bắt mắt, sang trọng này khiến cây trở thành phụ kiện cắm hoa, trang trí được ưa chuộng trong các shop hoa tươi, studio cưới và cả các khách sạn, quán cà phê theo phong cách hiện đại.
Ngoài công dụng làm đẹp, lá cây đô la còn có hương thơm nhẹ nhàng, giúp thanh lọc không khí. Nhờ vậy, nó không chỉ thu hút các nhà làm hoa mà còn được giới sản xuất tinh dầu quan tâm. Một số cơ sở trong và ngoài nước đã tiến hành thu mua cây để chiết xuất tinh dầu thơm, mở ra thêm hướng đi thương mại cho loại cây này.
Khác với nhiều loại cây lâu năm đòi hỏi vốn đầu tư lớn và thời gian chăm sóc dài hạn, cây đô la có thể cho thu hoạch chỉ sau 4 tháng nếu trồng và chăm đúng kỹ thuật. Cây phát triển nhanh, có thể cao ngang đầu người sau một vụ ngắn, phù hợp với mô hình nông hộ nhỏ và nông dân muốn làm xen canh.
![]() |
Cành lá khuynh diệp được dùng trong cắm hoa. Ảnh minh họa |
Tại nhiều vùng ven đô hoặc nông thôn có khí hậu mát, người dân đã trồng cây đô la xen giữa vườn chè, vườn hoa hoặc cùng các loại rau màu. Với diện tích chỉ một sào (khoảng 360m²), bà con có thể thu về từ 4 đến 5 triệu đồng mỗi tháng nhờ cắt tỉa và bán cành.
Hiện nay, giá cành cây đô la dao động từ 80.000 đến 120.000 đồng/kg tùy vào độ dài, kích thước lá và độ tươi. Thị trường còn phân biệt hai dòng sản phẩm: cành lá nhỏ (giá cao hơn khoảng 30.000 đồng/kg) và cành lá lớn. Cành lá nhỏ có ưu thế về thẩm mỹ, thích hợp cho bó hoa cao cấp hoặc cắm lọ nhỏ trong nội thất hiện đại.
Tuy đơn giản và dễ trồng, nhưng việc thu hoạch cây đô la đòi hỏi sự tỉ mỉ. Cành cây phải đủ độ già mới cắt, nếu non sẽ nhanh héo, mất màu và không giữ được mùi thơm.
Không ít nông hộ còn đầu tư thêm bước chế biến sâu bằng cách chiết xuất tinh dầu từ lá, mở xưởng nhỏ sản xuất tinh dầu thiên nhiên phục vụ thị trường quà tặng, spa và xuất khẩu. Mô hình này vừa giúp tận dụng phụ phẩm từ cành lá không đạt chuẩn thương mại, vừa gia tăng giá trị kinh tế trên mỗi m2 canh tác.