Công nhân Nguyễn Thị Thúy Hà, Hợp tác xã Mây Tre Lá Ba Nhất, quận Bình Thạnh, TP. HCM, đặt câu hỏi, Luật Bảo hiểm xã hội còn nhiều bất cập, nhất là thời gian đóng rất dài mới được hưởng lương hưu.

Đề nghị Chính phủ sửa đổi pháp luật để bảo đảm quyền lợi của công nhân lao động, hạn chế tình trạng công nhân rút bảo hiểm xã hội một lần. Nữ công nhân này cũng bày tỏ, biết rút bảo hiểm thì khi về già không có lương hưu nhưng do khó khăn quá và thời gian đóng dài nên vẫn rút.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, chúng ta có 55 triệu lao động, trong đó khoảng 20 triệu người có giao kết hợp đồng lao động, nhưng chỉ có 16 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là một tỷ lệ thấp.

Trong quý I, II/2022, có tình trạng một tỷ lệ nhất định người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần. “Đây là điều không tốt, gây hệ luỵ lâu dài cho người lao động khi nghỉ hưu. Vì vậy, việc đầu tiên phải nâng cao đời sống, phúc lợi cho công nhân, người lao động, nhất là đối với công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Đối với việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, hiện đã hoàn tất xong hồ sơ thủ tục với 11 nhóm chính sách cải cách bảo hiểm và Quốc hội cho phép năm 2023 sẽ trình Quốc hội. Trong các nhóm này, sẽ giảm dần thời gian đóng bảo hiểm xã hội. “Trước đây, chúng ta quy định 20 năm, dự thảo rút dần xuống 15 năm và tiến tới có thể 10 năm, với tinh thần đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ngắn hưởng ngắn trên tinh thần công bằng, chia sẻ”, Bộ trưởng thông tin.

Bên cạnh đó, dự thảo tăng thêm sự liên kết giữa các nhóm bảo hiểm xã hội với nhau, bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Cùng với đó, sẽ xử lý một vấn đề quan trọng trong bảo hiểm hiện nay là chia sẻ giữa người đóng bảo hiểm nhiều với người đóng ít, người đóng dài, người đóng ngắn.

Ngoài ra, dự thảo cũng đưa ra cơ chế, chính sách để khuyến khích người lao động tham gia bảo hiểm dài hơn. Chẳng hạn, hiện nay chúng ta đang khuyến khích người lao động theo hộ nghèo là 30%, cận nghèo là 25%, đối tượng bình thường là 10%. Theo thông lệ quốc tế, tỷ lệ này tương ứng là 50%, 20% và 30%, Việt Nam sẽ tiến tới áp dụng thông lệ này.

Luật cũng sẽ có quy định xử lý nghiêm những trường hợp lợi dụng khó khăn của người công nhân để ép công nhân mua bán, chuyển đổi sổ bảo hiểm qua nhiều hình thức trá hình.

Bổ sung phần trả lời về bảo hiểm xã hội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, vừa qua, pháp luật về bảo hiểm xã hội có những điểm chưa phù hợp với thực tiễn, các cơ quan đã lắng nghe ý kiến công nhân lao động, tập hợp, đề xuất Chính phủ, trình Quốc hội đưa nội dung sửa đổi pháp luật về bảo hiểm xã hội vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, nhằm giải quyết những vấn đề mà thực tiễn đặt ra.

Cũng liên quan đến bảo hiểm xã hội, công nhân Nguyễn Mạnh Hùng, Công ty Cổ phần May xuất khẩu Hà Bắc đặt vấn đề về tình trạng vi phạm pháp luật của chủ doanh nghiệp còn diễn ra nhiều; đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường tranh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng vi phạm pháp luật của người sử dụng lao động về vấn đề này.

Trao đổi vấn đề này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thừa nhận, thời gian qua, các địa phương đã rất cố gắng tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm nhiều, tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại tình trạng nợ lương, nợ bảo hiểm; chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm. Thậm chí kể cả những doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng rơi vào tình trạng này.

Tuy nhiên, giữa hành vi trốn đóng và chậm đóng bảo hiểm rất khó phân biệt. Bộ luật Hình sự quy định rất rõ nếu trốn đóng bảo hiểm thì xử lý theo luật hình sự. 

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, bảo hiểm xã hội cùng các cơ quan liên quan tổ chức thực thi pháp luật thật nghiêm.