Hiện nay, không ít người sống ở thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM... có thu nhập ổn định nhưng đều đặn cuối tuần nào cũng thùng xốp lớn, thùng xốp nhỏ được shipper mang đến nhà. Đó chính là đồ “tiếp tế” nào rau sạch, nào gà, nào cá, nào nem, nào trứng… thậm chí cả củ hành, chai mắm cũng được bố mẹ ở quê đóng gói sạch sẽ, cẩn thận chuyển ra thành phố cho con cái.

Nguyễn Khánh Linh (25 tuổi, sống tại Cầu Giấy) chia sẻ rằng từ khi học đại học, cô đã xác định kế hoạch bám trụ lại Hà Nội sau khi ra trường. Vì vậy, cô đã nỗ lực và lần lượt hoàn thành các mục tiêu ngay từ khi còn là sinh viên. Ngay sau khi ra trường, cô đã may mắn xin được một công việc trong lĩnh vực tổ chức sự kiện với mức lương khoảng 15 triệu đồng, đến hiện tại đã tăng lên 20 triệu đồng/tháng.

Sở hữu mức lương khá ổn định so với bạn bè nhưng Linh cho biết cô lại rất hiếm khi ăn ngoài, các bữa ăn đều được chuẩn bị trước và mang đi làm. "Mình giữ thói quen thường xuyên nấu ăn tại nhà. Từ hồi còn là sinh viên, thực phẩm thì hầu hết do bố mẹ gửi từ quê lên, mỗi tháng 2 lần. Những đồ khô sẽ được bọc cẩn thận, còn thực phẩm sống như thịt, cá,... thường sẽ được đông lạnh trước để tránh bị hỏng trong quá trình vận chuyển", cô gái trẻ chia sẻ.

Lương gần 20 triệu/tháng ở Hà Nội vẫn đều đặn xin "đồ tiếp tế" từ quê

Khánh Linh cho biết cô cảm thấy rất hạnh phúc khi nhận được đồ "tiếp tế" từ bố mẹ. "Những món đồ này giúp mình cảm thấy rất ấm áp, luôn có bố mẹ đồng hành dù không thường xuyên gặp mặt", Linh nói.

Cô gái trẻ cũng cho rằng thực phẩm được gửi từ quê vừa sạch vừa rẻ, giúp cô tiết kiệm được một phần chi phí không nhỏ cũng như đảm bảo sức khỏe. Khánh Linh chia sẻ: "Đồ bố mẹ gửi từ quê xuống cho mình rất đầy đủ nhưng thỉnh thoảng vẫn phải mua rau củ ở dưới này. Mua đồ ngoài chợ giá cũng không cao hơn ở quê là mấy nhưng chất lượng thực phẩm không đảm bảo, có lần mình bị ngộ độc vì ăn phải rau quả bị tẩm thuốc. Từ đó mình chuyển sang mua trong siêu thị, nhưng giá cũng khá cao, thỉnh thoảng mua thì được chứ thường xuyên thì chắc sẽ không còn tiền tiết kiệm mất".

Cô gái trẻ tiết lộ, mỗi tháng chi phí cho những thực phẩm được gia đình gửi xuống rơi vào khoảng 1 triệu đồng, trong đó gà, trứng, cá và rau sạch hoàn toàn là thực phẩm sạch do gia đình cô tự nuôi trồng. Hàng tháng, cô cũng trích một phần thu nhập để mua quà, các loại thực phẩm dinh dưỡng biếu bố mẹ, hoặc về thăm gia đình. Từ việc nhận đồ "tiếp tế" mà việc chi tiêu của cô được thoải mái hơn, mỗi tháng Khánh Linh vẫn có thể tiết kiệm từ 7-8 triệu đồng.

Lương gần 20 triệu/tháng ở Hà Nội vẫn đều đặn xin "đồ tiếp tế" từ quê

Sau khi đi làm Linh cũng đã nhiều lần ngỏ ý không nhận đồ "tiếp tế" để bố mẹ đỡ phải vất vả nhưng bố mẹ nói rằng ở quê trồng rau, nuôi gà cũng là thế dục cho khỏe người, hơn nữa, ngồi một chỗ lại buồn chân tay.

"Thực phẩm nuôi trồng được nhiều không gửi cho con cái thì bán cho ai được vì người ở quê nhà nào cũng nuôi trồng được. Mẹ mình còn nói, bà vẫn còn trẻ khỏe nên giúp được gì thì cứ giúp, để con ăn đồ dưới này ông bà cũng không yên tâm. Giờ giao thông thuận tiện nên dịch vụ đến lấy hàng tận nhà, bố mẹ chỉ việc đóng gói vào thùng và gửi, phí vận chuyển chỉ tốn khoảng 100 nghìn đồng...", Linh chia sẻ.

Người xưa có câu, không ai thương con bằng cha mẹ. Quả thực, dù chẳng bao giờ nói ra thành lời nhưng chỉ cần nhìn cách cha mẹ thương yêu, quan tâm đến các con là cũng đủ biết tình cảm của đấng sinh thành dành cho "khúc ruột" của mình sâu đậm như thế nào.