Củ riềng vốn là gia vị quen thuộc trong căn bếp Việt, thường dùng để kho cá, làm nộm, làm gỏi... Thế nhưng, ít ai biết rằng còn một phần khác của cây riềng cũng có thể chế biến thành món ăn, đó là măng riềng – một đặc sản độc đáo của người dân Điện Biên, có hương vị lạ miệng và đầy cuốn hút.

Những ngày này, trên các sàn thương mại điện tử và chợ mạng, măng riềng đang được rao bán phổ biến với mức giá khoảng 50.000 đồng/kg. Theo giới thiệu từ người bán, măng riềng có vị ngọt nhẹ, mùi thơm độc đáo, giòn giòn. Món này có thể xào bò, xào tỏi, ăn sống, làm nộm hoặc trộn gỏi, đem lại cảm giác tươi mới, dân dã và không hề ngấy cho bữa cơm.

Thứ tưởng chỉ nhổ vứt đi lại là đặc sản ngon lạ lùng, dân thành phố ưa chuộng giá tới 50.000 đồng/kg

Mọc giữa khóm riềng – món quà từ thiên nhiên

Măng riềng thực chất là những đọt non mọc giữa khóm riềng, xuất hiện vào đầu xuân hoặc đầu thu. Ban đầu là loài cây mọc hoang dại ven rừng, bìa suối, nhưng được bà con mang về trồng để thu hái quanh năm. Khi đủ độ tuổi, cây sẽ nhú lên những mầm non phớt hồng, nhọn hoắt – đó chính là phần ngon nhất, được gọi là măng riềng.

Măng riềng từng gắn bó mật thiết với những bữa cơm đạm bạc của người dân Điện Biên, nhưng hiện đã trở thành đặc sản có mặt trong các nhà hàng, quán ăn đặc sản, phục vụ thực khách cả nước. Từ Điện Biên, măng riềng được vận chuyển và phân phối về nhiều tỉnh, đặc biệt là Hà Nội – nơi nhu cầu tìm kiếm món lạ ngày càng tăng cao.

Thứ tưởng chỉ nhổ vứt đi lại là đặc sản ngon lạ lùng, dân thành phố ưa chuộng giá tới 50.000 đồng/kg

Hương vị độc đáo – khác biệt với củ riềng

Theo kinh nghiệm dân gian, măng riềng ngon nhất là những búp còn non, chưa bung lá, cao khoảng 20–25 cm, có màu hồng nhạt ở đầu. Khi bóc vỏ, hương thơm tự nhiên của riềng non đã tỏa ra nhẹ nhàng nhưng vô cùng đặc trưng – khác biệt hoàn toàn với mùi hắc của củ riềng thường dùng làm gia vị.

Măng riềng không chỉ có vị ngọt thanh khi nấu đơn giản, mà còn dễ dàng hòa quyện với các loại rau rừng khác, giúp tăng thêm độ ngọt và độ giòn. Bên cạnh các món xào, luộc hay nộm, người dân còn sáng tạo ra món mắm tép xổi măng riềng – đóng hộp, tiện lợi và được nhiều người mua làm quà hoặc ăn kèm cơm nóng.

Chị Nguyệt (37 tuổi), một tiểu thương bán đặc sản vùng cao tại Hà Nội chia sẻ: “Người thành phố ngày càng chuộng món lạ, măng riềng tuy ít người biết đến nhưng ai đã ăn rồi là ghiền. Đến mùa, tôi gom hàng từ bà con Điện Biên rồi rao bán online. Ngoài bán lẻ, tôi còn cung cấp cho một số nhà hàng, quán đặc sản ở Hà Nội”.

Măng riềng có thể bảo quản trong tủ lạnh từ 1–2 tuần mà vẫn giữ được độ giòn và hương thơm. Nhờ lợi thế này, mặt hàng tưởng chừng như "chỉ có ở rừng" nay đã trở thành món ăn đặc sản phổ biến trên chợ mạng, góp mặt trong mâm cơm hiện đại, và là món ăn vừa ngon, vừa mang đậm hơi thở núi rừng Tây Bắc.