Dự kiến vận hành thử nghiệm sàn giao dịch carbon vào cuối năm 2025

Ngày 18/7/2025, tại Diễn đàn Net Zero Việt Nam 2025, TS. Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng phê duyệt dự thảo Nghị định về sàn giao dịch tín chỉ carbon trong nước. Theo đó, sàn giao dịch này sẽ vận hành tương tự sàn chứng khoán, với 2 loại hàng hóa là hạn ngạch phát thải và tín chỉ carbon.

Việt Nam sắp kích hoạt 'mỏ vàng' từ phát thải cuối năm 2025, Vingroup (VIC) sẵn sàng khai thác

TS Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Biến đổi khí hậu tại sự kiện (Ảnh: The Leader)

Với thị trường quốc tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng dự thảo Nghị định trao đổi quốc tế kết quả giảm phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon. Bản dự thảo này sẽ được Bộ trình Chính phủ trong năm nay. Như vậy, theo ông Quang, hành lang pháp lý và hạ tầng sẽ “hoàn thành vào cuối năm nay để vận hành thử nghiệm sàn carbon”.

Tín chỉ carbon (carbon credit) là một loại giấy phép hoặc chứng chỉ có thể giao dịch, có giá trị mua bán và cung cấp cho người nắm giữ quyền phát thải một tấn CO₂ hoặc loại khí thải khác nằm trong danh sách khí nhà kính. Chủ thể giao dịch hạn ngạch là các cơ sở được phân bổ hạn ngạch trong Danh mục phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Ông Tăng Thế Cường – Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: “Ở nước ta, việc trao đổi tín chỉ carbon ra thế giới đã được doanh nghiệp thực hiện từ những năm 2000 khi triển khai các chương trình, dự án theo Cơ chế phát triển sạch (CDM). Đến nay, đã có hơn 300 chương trình đăng ký, trong đó có khoảng 150 chương trình, dự án được cấp 40,2 triệu tín chỉ và trao đổi trên thị trường carbon thế giới, đưa Việt Nam trở thành một trong 4 nước có dự án CDM đăng ký nhiều nhất, sau Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ”.

“Riêng tín chỉ thu được từ các chương trình, dự án theo cơ chế CDM, Việt Nam đứng thứ 9 trên tổng số 80 quốc gia có dự án CDM được cấp tín chỉ. Các dự án đã được cấp tín chỉ tập trung vào lĩnh vực sản xuất năng lượng tái tạo, sử dụng tiết kiệm năng lượng”, ông Cường cho biết thêm.

Hệ sinh thái Vingroup giúp giảm hơn 565.000 tấn CO₂ sau 2 năm

Ngày 23/4/2025, chia sẻ tại Diễn đàn ESG Việt Nam lần thứ nhất với chủ đề "Chiến lược phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới", bà Phan Thị Hồng Dung – Phó Tổng Giám đốc CTCP Di chuyển Xanh và Thông minh GSM cho biết, sau 2 năm ra đời, Xanh SM đã đạt 300 triệu chuyến xe và mang lại việc làm cho 100.000 tài xế. Công ty này đã giúp giảm hơn 211.000 tấn CO₂.

Việt Nam sắp kích hoạt 'mỏ vàng' từ phát thải cuối năm 2025, Vingroup (VIC) sẵn sàng khai thác
Bà Phan Thị Hồng Dung - Phó Tổng Giám đốc GSM chia sẻ tại diễn đàn (Ảnh: Báo Dân trí)

Còn theo số liệu được công bố mới đây của Công ty Phát triển Trạm sạc Toàn cầu V-GREEN, từ ngày 1/5/2023 đến 14/4/2025, hệ thống trạm sạc V-GREEN đã giảm phát thải 354.000 tấn CO₂.

Với việc đầu tư bài bản và vận hành hệ thống theo chuẩn quốc tế, V-GREEN không chỉ góp phần thúc đẩy tỷ lệ xe điện hóa tại Việt Nam mà còn mở ra khả năng tham gia thị trường tín chỉ carbon – một trong những cơ chế tài chính quan trọng của tương lai xanh.

Đáng chú ý, ngày 21/1 vừa qua, V-GREEN đã ký thỏa thuận hợp tác với công ty năng lượng xanh eTreego (Đài Loan) về việc phát triển mạng lưới trạm sạc xe điện VinFast. V-GREEN cho biết, một trong các mục tiêu chính của thỏa thuận là thúc đẩy các sáng kiến chuyển đổi xanh, bao gồm việc xây dựng đề án chứng nhận tín chỉ carbon cho hệ thống trạm sạc.

Có thể thấy, Tập đoàn Vingroup (VIC) đang xây dựng một hệ sinh thái xanh khép kín. Từ sản xuất xe (VinFast), phát triển hạ tầng sạc (V-GREEN), đến vận hành dịch vụ di chuyển không phát thải (GSM – taxi điện, VinBus – xe buýt điện), tập đoàn này đang cho thấy cách một doanh nghiệp tư nhân có thể đóng vai trò trung tâm trong công cuộc chuyển đổi năng lượng quốc gia.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 của Tập đoàn Vingroup, ở phiên thảo luận, một cổ đông đã đặt câu hỏi: "VinFast hiện thu chủ yếu từ việc bán xe, nhưng theo tôi được biết thì tín chỉ carbon cũng tạo ra nguồn thu. VinFast giảm thải được rất nhiều carbon, hiện VinFast đã làm hồ sơ pháp lý gì để phát hành tín chỉ carbon trong thời gian tới?".

Giải đáp vấn đề này, ông Phạm Nhật Vượng thông tin: "Chúng tôi đã thành lập tổ công tác để thúc đẩy việc bán tín chỉ carbon không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước khác".

Thị trường tín chỉ carbon – “mỏ vàng” hàng tỷ USD

Theo báo cáo tài chính năm 2024, việc bán tín chỉ carbon đã mang về 2,76 tỷ USD cho Tesla, tăng 54% so với năm 2023. Mức tăng này báo hiệu nhu cầu liên tục đối với loại hàng hóa này trong bối cảnh các nhà sản xuất xe xăng đang vật lộn để đáp ứng quy định khí thải ngày càng siết chặt.

Việt Nam sắp kích hoạt 'mỏ vàng' từ phát thải cuối năm 2025, Vingroup (VIC) sẵn sàng khai thác
Tesla thu về hàng tỷ USD mỗi năm nhờ bán tín chỉ carbon (Ảnh minh họa)

Trong số 10 hãng xe lớn nhất thế giới (trừ Tesla), có đến 9 nhà sản xuất không đạt tiêu chuẩn khí thải, theo chuyên trang Carbon Credits. BMW, Kia, Stellantis cần cắt giảm từ 9–11%, trong khi Volkswagen và Ford có mức chênh lệch cao nhất, lên đến 21%.

Trong khi các nhà sản xuất xe xăng, hybrid phải mua tín chỉ carbon để bù trừ lượng phát thải, Tesla lại thu lợi từ việc bán xe không phát thải với biên lợi nhuận tối đa do không tốn chi phí sản xuất. Kể từ năm 2017, tổng thu nhập của Tesla từ giao dịch tín chỉ carbon đã vượt 10,4 tỷ USD.

Tín chỉ carbon không ảnh hưởng trực tiếp đến người mua ô tô, nhưng là công cụ quan trọng giúp các “ông lớn” ngành xe tuân thủ quy định khí thải.

Từ góc nhìn chuyên gia, TS. Nguyễn Thành Công – Phó Trưởng phòng Thị trường carbon, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT), đánh giá các doanh nghiệp sản xuất xe điện tại Việt Nam có cơ sở tốt để tham gia thị trường carbon trong tương lai. "Tesla là một ví dụ tiêu biểu mà những doanh nghiệp sản xuất xe điện ở Việt Nam quan tâm", ông Công nói và cho rằng đây là nguồn thu lớn để các hãng bù đắp chi phí sản xuất xe điện ban đầu.