Chiều 22/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc tiếp ông Yukihito Honda, Tổng Giám đốc điều hành khối Phát triển Đô thị Đa dạng của Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản). Tại đây, nhiều nội dung quan trọng đã được đưa ra bàn thảo, trong đó nổi bật là đề xuất tái khởi động dự án Thành phố thông minh Bắc Hà Nội, một siêu dự án được kỳ vọng trở thành biểu tượng hợp tác kinh tế Việt – Nhật.
Dự án này từng được động thổ từ năm 2019 nhưng đến nay vẫn “án binh bất động” do vướng điều chỉnh quy hoạch. Tuy nhiên, với quyết định điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết 1/500 đã được UBND TP Hà Nội thông qua vào tháng 7/2023, cùng với động thái thúc đẩy mạnh mẽ từ Chính phủ, dự án có nhiều cơ hội bước vào giai đoạn triển khai thực tế.
Dự án Thành phố thông minh Bắc Hà Nội do liên danh Tập đoàn BRG và Sumitomo phát triển, có tổng vốn đầu tư 4,2 tỷ USD, được chia làm 5 giai đoạn, với mốc hoàn thành vào cuối năm 2032. Tổng diện tích quy hoạch hơn 270 ha, nằm tại địa bàn các xã Thiên Lộc và Phúc Thịnh thuộc huyện Đông Anh. Dự án bao gồm hàng loạt hạng mục lớn như tòa tháp tài chính cao 108 tầng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đây là dự án có ý nghĩa chiến lược trong việc phát triển đô thị phía Bắc Hà Nội, cần được triển khai một cách nghiêm túc, đúng pháp luật, trên cơ sở bình đẳng lợi ích và chia sẻ rủi ro giữa các bên. Đặc biệt, dự án phải kết hợp hài hòa giữa bản sắc văn hóa Việt Nam và Nhật Bản, hướng đến tiêu chuẩn xanh – thông minh – bền vững.
Với tổng mức đầu tư thuộc nhóm cao nhất trong các dự án FDI tại Việt Nam, Thành phố thông minh Bắc Hà Nội kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết nhiều vấn đề hạ tầng lớn của Thủ đô như giao thông, năng lượng, giáo dục, y tế và môi trường; đồng thời tạo đà phát triển đột phá cho khu vực Đông Anh.
![]() |
Phối cảnh tòa tháp tài chính 108 tầng của dự án thành phố thông minh. Ảnh: Chủ đầu tư cung cấp |
Tại buổi làm việc, ông Yukihito Honda khẳng định, Sumitomo coi dự án này là biểu tượng quan trọng trong quan hệ song phương. Tập đoàn mong muốn đẩy nhanh triển khai các giai đoạn tiếp theo, đồng thời thúc đẩy mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng sạch, đường sắt đô thị và phát triển hạ tầng thông minh.
Song song với đó, Sumitomo cũng đề xuất đầu tư Nhà máy điện khí LNG Vân Phong 2 tại Khánh Hòa. Thủ tướng giao Bộ Công Thương sớm phối hợp giải quyết các thủ tục cần thiết và khuyến khích Sumitomo tận dụng nguồn vốn tài chính xanh từ sáng kiến Cộng đồng châu Á phát thải ròng bằng 0 (AZEC). Tập đoàn này hiện đang vận hành Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1 tại địa phương, công suất 1.320 MW, với vốn đầu tư gần 2,6 tỷ USD.
Đến nay, Sumitomo đã hiện diện tại Việt Nam gần 30 năm, đầu tư vào hàng loạt khu công nghiệp và hạ tầng quan trọng. Các khu công nghiệp của tập đoàn đã thu hút hơn 6 tỷ USD vốn FDI và tạo ra gần 100.000 việc làm. Sumitomo cũng là đơn vị thi công chính tuyến metro số 1 tại TP.HCM.
Việc tái khởi động siêu dự án Bắc Hà Nội không chỉ là cú hích lớn cho dòng vốn FDI chất lượng cao, mà còn là bước chuyển quan trọng trong việc hiện thực hóa mục tiêu đưa Hà Nội trở thành đô thị thông minh tầm khu vực, một trung tâm tài chính và đổi mới sáng tạo trong tương lai gần.