Chiều 22/7, tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nhằm thúc đẩy ngoại giao kinh tế, bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, đã kiến nghị xây dựng một trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu - phát triển và giao dịch nguyên phụ liệu phục vụ ngành thời trang.
Theo bà Xuân, vấn đề nguyên phụ liệu hiện là nút thắt lớn nhất của ngành da giày. Nguồn cung nguyên phụ liệu trong nước hiện vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu và sự chỉ định của khách hàng, do phần lớn doanh nghiệp đang hoạt động theo mô hình gia công.
Trước thực trạng này, Hiệp hội định hướng sẽ từng bước tiến tới chủ động sản xuất nguyên phụ liệu trong nước. Việc làm chủ nguồn cung không chỉ giúp tăng tính linh hoạt mà còn mở rộng cơ hội thu hút đơn hàng, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của toàn ngành.
![]() |
Bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Trên cơ sở đó, ba hiệp hội gồm Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, Hiệp hội Dệt may và Hiệp hội Gỗ đã cùng đề xuất thành lập một trung tâm chuyên về đổi mới sáng tạo, nghiên cứu - phát triển và giao dịch nguyên phụ liệu cho ngành thời trang. Dự án hiện đã lựa chọn được quỹ đất ban đầu với diện tích khoảng 40ha. Tuy nhiên, bà Xuân cho rằng để trung tâm này có thể đi vào hoạt động, rất cần những chính sách mang tính đột phá cùng sự hỗ trợ từ Nhà nước.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cũng nhận định, dù mô hình này còn khá mới tại Việt Nam, nhưng đã được triển khai hiệu quả ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Trung Quốc.
Việc xây dựng trung tâm sẽ góp phần đa dạng hóa nguồn cung nguyên phụ liệu, thúc đẩy sáng tạo trong thiết kế, đổi mới mô hình kinh doanh và nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng sản xuất. Trung tâm không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn có thể cung cấp nguyên phụ liệu cho các thị trường trong khu vực như Indonesia, Campuchia, Bangladesh…
Hiệp hội Da giầy Túi xách Việt Nam hiện có khoảng 200 doanh nghiệp thành viên, tạo công việc cho 1,5 triệu lao động trực tiếp và gián tiếp. Với đề xuất này, bà Xuân bày tỏ mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ các thương vụ trong việc kết nối với các mô hình quốc tế, đồng thời kỳ vọng Nhà nước sẽ đồng hành trong việc hoàn thiện chính sách.
Đặc biệt, bà kiến nghị các Bộ, ngành liên quan, bao gồm cả Bộ Công Thương, xem xét xây dựng một đề án tổng thể với cơ chế và chính sách hỗ trợ cụ thể. Điều này không chỉ tạo điều kiện để trung tâm vận hành hiệu quả mà còn khuyến khích sự tham gia của nhiều ngành, qua đó hình thành chuỗi cung ứng nội địa và nâng cao khả năng chủ động cho ngành công nghiệp thời trang Việt Nam.
Phát biểu tại hội nghị, ông Trương Văn Cẩm – Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam – cho biết, hiện nay nhiều doanh nghiệp trong ngành dệt may đã có tiềm lực để mở rộng đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt tại các quốc gia có chi phí lao động thấp như Bangladesh, Ấn Độ… Do đó, ông kiến nghị các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài chủ động cập nhật, cung cấp thông tin về môi trường đầu tư, chính sách thu hút cũng như những cảnh báo rủi ro, giúp doanh nghiệp có cơ sở để nghiên cứu và triển khai đầu tư phù hợp.