Trong báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á – ADO tháng 7/2025, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo GDP Việt Nam sẽ tăng 6,3% trong năm 2025 và 6,0% vào năm 2026. Đây là mức cao nhất trong số các nền kinh tế Đông Nam Á, bỏ xa mức trung bình của khu vực (4,2% năm 2025 và 4,3% năm 2026). Trong khi đó, nhiều nền kinh tế lớn khác chứng kiến tốc độ tăng trưởng sụt giảm đáng kể. Cụ thể, Thái Lan chỉ được dự báo tăng 1,8% năm 2025 và 1,6% năm 2026, giảm sâu so với các kỳ dự báo trước đó.
Đáng chú ý, dù chịu tác động từ các rào cản thương mại mới, Việt Nam chỉ bị điều chỉnh giảm nhẹ tăng trưởng so với dự báo trước đó. Cụ thể, ADB hạ nhẹ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam xuống 6,3% năm 2025 và 6,0% năm 2026 (so với mức 6,6% và 6,5% đưa ra vào tháng 4). Trái lại, nhiều nền kinh tế lớn khác như Thái Lan ghi nhận mức điều chỉnh giảm mạnh hơn đáng kể, khi tăng trưởng năm 2025 bị hạ từ 2,8% xuống còn 1,8% và năm 2026 từ 2,9% xuống chỉ còn 1,6%. So với bối cảnh chung, Việt Nam vẫn duy trì vị thế là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất Đông Nam Á, khẳng định sức chống chịu và triển vọng phục hồi bền vững trong giai đoạn tới.
Nguyên nhân chính cho sự điều chỉnh lần này là do áp lực từ chính sách thương mại của Mỹ, trong đó bao gồm việc áp thuế lên một số mặt hàng xuất khẩu. Theo ADB, các mức thuế mới từ phía Mỹ sẽ ảnh hưởng tới kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong nửa cuối năm 2025 và cả năm 2026.
Dù vậy, Việt Nam vẫn là điểm sáng của khu vực khi nhiều chỉ số kinh tế quan trọng tiếp tục ghi nhận kết quả tích cực. Trong nửa đầu năm 2025, tổng vốn FDI đăng ký mới tăng mạnh 32,6% so với cùng kỳ, trong khi giá trị giải ngân thực tế cũng tăng 8,1%. Đáng chú ý, tỷ lệ giải ngân đầu tư công đạt mức cao nhất kể từ năm 2018, tương đương 24,3% kế hoạch cả năm. Những con số này phản ánh niềm tin mạnh mẽ của nhà đầu tư quốc tế vào triển vọng dài hạn của nền kinh tế Việt Nam, bất chấp những biến động ngắn hạn về thương mại toàn cầu.
![]() |
ADB dự báo Việt Nam tiếp tục dẫn đầu tăng trưởng GDP khu vực Đông Nam Á giai đoạn 2025-2026 (Ảnh minh họa) |
Về mặt ổn định kinh tế vĩ mô, ADB cũng hạ dự báo lạm phát của Việt Nam xuống còn 3,9% năm 2025 và 3,8% năm 2026, giảm 1 điểm phần trăm so với dự báo tháng 4. Đây là tín hiệu tích cực cho khả năng điều hành chính sách tiền tệ trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn.
Trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu suy yếu, những tín hiệu lạc quan từ đầu tư và kiểm soát lạm phát đang tiếp thêm cơ sở để Việt Nam giữ vững vị thế một trong những nền kinh tế tăng trưởng năng động nhất khu vực.