Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý III/2025 của các tổ chức tín dụng (TCTD) và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa thực hiện cho thấy, điểm nổi bật nhất là kỳ vọng tăng trưởng tín dụng của hệ thống TCTD năm 2025 đã được điều chỉnh tăng lên 16,8%, mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây và bỏ xa con số thực tế năm 2024.

Riêng trong quý III/2025, dư nợ tín dụng toàn hệ thống được kỳ vọng tăng 4,7%, trong đó tín dụng bằng VND và ngoại tệ đều tăng tương đương, phản ánh sức cầu vốn đang phục hồi rõ rệt trong nền kinh tế.

Đáng chú ý, 62,6% TCTD dự báo nhu cầu vay vốn sẽ tiếp tục tăng mạnh trong quý tới – vượt xa nhu cầu gửi tiền hay thanh toán. Đây là tín hiệu rõ ràng cho thấy sự cải thiện trong tâm lý doanh nghiệp và người dân, nhất là khi lãi suất cho vay vẫn đang ở mặt bằng thấp.

Một nghịch lý tưởng như khó xảy ra đã thành hiện thực: Mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng giảm nhẹ, nhưng tín dụng vẫn tăng nhanh, trong khi thanh khoản hệ thống ngân hàng lại được đánh giá là “tốt” và dự báo sẽ còn cải thiện trong các quý tiếp theo.

Cụ thể, lãi suất huy động và cho vay bằng VND tiếp tục giảm trong quý II/2025, đặc biệt ở nhóm cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa. Việc các TCTD chủ động giảm biên lãi suất, thay vì cắt giảm phí dịch vụ, cho thấy mục tiêu kích cầu tín dụng đang được ưu tiên hàng đầu.

Tuy nhiên, điều khiến thị trường bất ngờ là dù tín dụng tăng mạnh và lãi suất giảm, thanh khoản hệ thống vẫn không bị siết lại. Trái lại, khảo sát cho thấy niềm tin thanh khoản tiếp tục cải thiện trong quý III và cả năm 2025.

Tín dụng dự báo tăng 16,8%, lãi suất thấp kỷ lục: Vì sao thanh khoản ngân hàng vẫn dồi dào?

Việc tín dụng tăng mạnh, lãi suất hạ nhưng thanh khoản không thiếu cho thấy sự chủ động của hệ thống ngân hàng trong điều phối dòng tiền, đáp ứng cầu tín dụng thực chất mà vẫn giữ được ổn định vĩ mô.

Khảo sát ghi nhận, mức độ cải thiện thanh khoản trong quý II/2025 có phần giảm nhẹ so với quý trước và chưa đạt kỳ vọng, nhưng nhìn tổng thể cả năm, các TCTD cho rằng thanh khoản sẽ vẫn tốt hơn năm 2024.

Điều này phản ánh một thực tế, dù nhu cầu tín dụng tăng lên đáng kể, hệ thống ngân hàng vẫn kiểm soát tốt dòng tiền, nhờ vào nhiều yếu tố như: Cầu gửi tiền vẫn tích cực, dù tăng chậm hơn tín dụng; Lãi suất huy động thấp nhưng chưa gây áp lực rút vốn; Cấu trúc dòng tiền ngắn hạn – dài hạn được cân đối tốt hơn trong năm nay.

Dự báo, huy động vốn toàn hệ thống sẽ tăng bình quân 4% trong quý III/2025, trong đó huy động bằng VND tăng 4,4% và bằng ngoại tệ tăng 2,5%. Nếu đà này được duy trì, mức tăng huy động vốn cả năm có thể đạt 13,9% – cao nhất trong 5 năm gần đây.

Không chỉ thanh khoản được duy trì, tình hình kinh doanh và lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng cũng có xu hướng cải thiện. Trong quý II, tỷ lệ các TCTD ghi nhận tình hình kinh doanh suy giảm chỉ còn 11,2%, giảm so với 14,8% quý I.

Tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống cũng tiếp tục giảm nhẹ và được kỳ vọng sẽ giảm mạnh hơn trong quý III/2025. Dù tỷ lệ TCTD cho rằng nợ xấu “giảm” chỉ đạt 20,9%, thấp hơn kỳ vọng trước đó (23,2%), nhưng xu hướng chung là lạc quan hơn với khả năng kiểm soát rủi ro tín dụng.

Ngoài ra, rủi ro tổng thể từ các nhóm khách hàng được đánh giá tăng nhẹ, song các TCTD cho rằng đến cuối năm 2025, mức độ rủi ro sẽ giảm nhẹ so với cuối 2024, thể hiện sự kỳ vọng vào hiệu quả giám sát và chất lượng cho vay.

Việc tín dụng tăng mạnh, lãi suất hạ nhưng thanh khoản không thiếu cho thấy sự chủ động của hệ thống ngân hàng trong điều phối dòng tiền, đáp ứng cầu tín dụng thực chất mà vẫn giữ được ổn định vĩ mô.

Đây cũng là kết quả của nỗ lực điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt từ phía Ngân hàng Nhà nước, trong bối cảnh phải cân đối giữa mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng và kiểm soát rủi ro hệ thống.

Tín hiệu tích cực từ khu vực ngân hàng quý III/2025 không chỉ mở ra kỳ vọng bứt phá tăng trưởng tín dụng cả năm, mà còn khẳng định lại niềm tin cho thấy ngành ngân hàng không còn thụ động, mà đang trở thành “trụ đỡ” chủ động của nền kinh tế.