Chiều 19/4, tại TP. HCM, UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức họp báo công bố thông tin về Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư tỉnh Ninh Thuận.

Thông tin tại buổi họp báo, ông Trịnh Minh Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, ngày 10/11/2023 Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1319/QĐ-TTg.

Nội dung quy hoạch tỉnh đã nêu rõ quan điểm, định hướng phát triển, với tầm nhìn chiến lược “Ninh Thuận - miền đất hội tụ những giá trị khác biệt”, với động lực mới, đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 tỉnh Ninh Thuận trở thành tỉnh có mức thu nhập bình quân thuộc nhóm trung bình cao của cả nước; đến năm 2050 phát triển toàn diện, nhanh và bền vững.

Đến 2030, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân của Ninh Thuận đạt khoảng 10-11%/năm; GRDP bình quân đầu người khoảng 200 triệu đồng và kinh tế số sẽ chiếm khoảng 30% GRDP.

Quy hoạch cũng định hướng phát triển ngành du lịch theo hướng chất lượng cao, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp 15% GRDP toàn tỉnh. Về năng lượng, đến 2030, Ninh Thuận sẽ là trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của quốc gia.

Điểm danh 8 địa điểm du lịch Ninh Thuận không được bỏ lỡ

Ninh Thuận nhìn từ trên cao

Đến 2050, Ninh Thuận trở thành tỉnh phát triển toàn diện, bền vững, phát triển mạnh về kinh tế biển, với khu kinh tế ven biển hiện đại. Kinh tế biển ở giai đoạn này sẽ chiếm trên 55% tổng sản phẩm nội tỉnh.

Tại Hội nghị công bố quy hoạch, tỉnh Ninh Thuận sẽ mời gọi đầu tư 55 dự án ưu tiên. Trong đó có 9 dự án thuộc lĩnh vực năng lượng, năng lượng tái tạo; 18 dự án thuộc lĩnh vực thương mại - dịch vụ, du lịch; 9 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; 5 dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp và 14 dự án thuộc lĩnh vực xây dựng và kinh doanh bất động sản.

Trong đó có một số dự án lớn như dự án điện khí LNG Cà Ná (1.500MW, 51.793 tỷ đồng); dự án thủy điện tích năng Phước Hòa (1.200MW, 22.865 tỷ đồng); dự án điện gió Tri Hải (79,5MW, 2.760 tỷ đồng); dự án điện gió Đầm Nại 4 (27,6MW, 1.649 tỷ đồng)…

Tại hội nghị công bố quy hoạch vào ngày 28/4, tỉnh Ninh Thuận sẽ trao quyết định chủ trương và giấy chứng nhận đầu tư, ký kết thỏa thuận hợp tác (MOU) với các nhà đầu tư.

Cùng với công bố quy hoạch, tỉnh Ninh Thuận tổ chức các hoạt động bên lề gồm: khánh thành tuyến Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo; hội thảo về năng lượng xanh, hydro xanh và khu công nghiệp trung hòa carbon...

Ninh Thuận là tỉnh có số giờ nắng nhiều nhất nước, lên đến 2.800 giờ mỗi năm, lại có gió ngược. Điều kiện khí hậu khắc nghiệt nhưng Ninh Thuận lại có tiềm năng vô tận mà không tỉnh, thành nào trên cả nước có được là phát triển năng lượng tái tạo.

Những năm qua, vùng đất “tiểu sa mạc” đã thu hút mạnh mẽ các “sếu đầu đàn” trong và ngoài nước đến đầu tư khai thác phát triển năng lượng tái tạo, từng bước trở thành địa phương thuộc nhóm đứng đầu cả nước về phát triển năng lượng tái tạo với tổng công suất lắp đặt 3.475MW.