Vào đầu tháng 4/2025, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố thuế đối ứng đối với nhiều quốc gia có thặng dư thương mại với Mỹ, trong đó Việt Nam có thể chịu mức thuế lên tới 46%. Mặc dù Mỹ đã thông báo tạm hoãn thuế đối ứng trong 90 ngày, nhưng nguy cơ vẫn treo lơ lửng.

Tại hội thảo "Thuế đối ứng của Mỹ và ứng phó của doanh nghiệp Việt Nam", ngày 18/4, Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực chỉ rõ: Đề xuất thuế đối ứng từ Mỹ giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế Việt Nam.

Đầu tiên, xuất khẩu lao dốc khi hàng hóa Việt Nam mất đi lợi thế cạnh tranh do thuế cao. Tiếp theo, làn sóng FDI chững lại, kể cả vốn từ Mỹ, bởi nhà đầu tư e ngại rủi ro chính sách toàn cầu và bị hấp dẫn bởi chính sách ưu đãi sản xuất ngay tại Mỹ.

Thứ hai, bóng ma bảo hộ bao trùm, kéo theo hàng loạt biện pháp kiểm soát xuất khẩu gắt gao, những cuộc điều tra ráo riết về gian lận thuế, nguồn gốc xuất xứ, và tình trạng chuyển tải hàng hóa. Điều này không chỉ làm tăng nguy cơ Việt Nam bị áp thuế đối ứng mà còn "bóp nghẹt" cơ hội xuất khẩu các mặt hàng công nghệ cao, vốn là động lực tăng trưởng tương lai.

Thứ ba, Việt Nam còn phải đối mặt với áp lực cạnh tranh khốc liệt từ hàng hóa các quốc gia khác đổ bộ, đặc biệt là tình trạng dư thừa nguồn cung từ Trung Quốc. Bên cạnh đó, chi phí logistics leo thang và những rủi ro tiềm ẩn từ biến động lãi suất và tỷ giá càng chồng chất khó khăn lên nền kinh tế.

"Với kịch bản cơ sở, giả sử Mỹ áp thuế đối ứng khoảng 20% - 25% lên hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ, ước tính giá trị phải trả thêm khoảng 55 tỷ USD/năm.Trong trường hợp Việt Nam giảm thuế xuống 0% cho hàng Mỹ, tổn thất giảm thu thuế ước tính khoảng 1,2 tỷ USD", TS Cấn Văn Lực dự báo.

TS Cấn Văn Lực hiến kế gỡ khó bài toán thuế đối ứng từ Hoa Kỳ

Nền kinh tế Việt Nam đứng trước nguy cơ thiệt hại 55 tỷ USD mỗi năm, kéo theo hệ lụy xuất khẩu lao dốc, FDI "đóng băng" và bóng ma bảo hộ bao trùm.

'Vũ khí' giúp Việt Nam đón sóng đầu tư toàn cầu sau 'đòn' thuế Mỹ

Trước nguy cơ thuế đối ứng từ Mỹ, TS Cấn Văn Lực đã vạch ra một lộ trình ứng phó sắc bén, tập trung vào cả nỗ lực ngoại giao và tăng cường nội lực kinh tế.

Trên mặt trận đối ngoại, ông nhấn mạnh việc ưu tiên hợp tác cùng có lợi với Mỹ thông qua đối thoại và đàm phán đa phương, đồng thời triển khai nhanh chóng các biện pháp cụ thể để cân bằng thương mại, bao gồm tăng nhập khẩu và giảm thuế cho hàng hóa Mỹ.

"Việt Nam cần giải quyết kịp thời các quan ngại của phía Mỹ và xây dựng phương án đàm phán hiệu quả với mục tiêu đạt mức thuế suất ưu đãi dưới 20% - 25% là tối quan trọng", TS Lực lưu ý.

Về chính sách trong nước, TS Cấn Văn Lực kiến nghị Chính phủ cần có gói hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp và các ngành hàng chịu tác động tiêu cực, song song với việc kích cầu đầu tư và tiêu dùng nội địa để bảo vệ mặt trận xuất khẩu.

“Tầm nhìn dài hạn, tôi mong chúng ta cơ cấu lại nền kinh tế, tăng nội lực, tính tự chủ, tự lực, tự cường, tập trung vào các động lực tăng trưởng khác và các động lực tăng trưởng mới”, ông Lực nói.

Đối với cộng đồng doanh nghiệp, TS Lực nhấn mạnh tính hành động cao: Lúc này, các doanh nghiệp phải tận dụng tối đa chính sách hỗ trợ để giảm chi phí và tinh gọn bộ máy, đa dạng hóa thị trường, đối tác và chuỗi cung ứng, nâng cao năng lực cạnh tranh toàn diện, và chớp lấy cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do. Đặc biệt, việc nắm bắt xu hướng chuyển đổi kép (xanh hóa và số hóa) và xây dựng chiến lược theo tiêu chuẩn ESG được xem là yếu tố sống còn để phát triển bền vững.

"Ứng phó với thuế đối ứng của Mỹ không chỉ là một bài toán kinh tế cấp bách mà còn là cơ hội để Việt Nam tái khẳng định vị thế trên bản đồ thương mại toàn cầu, chứng minh khả năng thích ứng và vươn lên mạnh mẽ trong bối cảnh quốc tế đầy biến động", vị chuyên gia nhận định.