Bội chi giữ 5%, chi thường xuyên phải cắt tối thiểu 3%

Nêu quan điểm tại hội thảo “Giải pháp đột phá tăng trưởng kinh tế hai con số trong kỷ nguyên mới” ngày 7/5, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, nhấn mạnh: Muốn đạt tăng trưởng hai con số, Việt Nam cần một cú hích mạnh mẽ vào đầu tư, nâng tổng đầu tư xã hội/GDP lên ít nhất 40%, vượt mức bình quân khoảng 33–34% hiện nay.

Cùng với đó, hiệu quả đầu tư phải được cải thiện một cách triệt để, thể hiện qua việc kéo giảm chỉ số ICOR (Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư) từ mức 6 hiện tại xuống ngưỡng 4 hoặc thấp hơn, tương đương với giai đoạn Việt Nam có mức tăng trưởng cao và hiệu quả vào cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000.

TS. Nguyễn Đình Cung: Muốn tăng trưởng 2 con số, đầu tư xã hội phải đạt 40% GDP

Muốn đạt tăng trưởng hai con số, Việt Nam cần một cú hích mạnh mẽ vào đầu tư, nâng tổng đầu tư xã hội/GDP lên ít nhất 40%, vượt mức bình quân khoảng 33–34% hiện nay.

Lấy dẫn chứng từ các nền kinh tế Đông Á như Hàn Quốc, Đài Loan - nơi từng có giai đoạn tăng trưởng hai con số trong quá trình công nghiệp hóa, TS. Cung cho biết những quốc gia này đều duy trì tỷ lệ đầu tư trên GDP trên 40% trong thời gian dài, nhưng quan trọng hơn là ICOR chỉ dao động quanh mức 3–4, cho thấy hiệu quả sử dụng vốn rất cao.

"Tôi cho rằng đây chính là vấn đề mấu chốt để tối ưu hóa nguồn lực và gia tăng giá trị từ mỗi đồng vốn bỏ ra. Việt Nam cần tham khảo nếu muốn bứt phá khỏi bẫy thu nhập trung bình", ông Cung nhận định.

Bên cạnh việc tạo cú hích cho đầu tư, TS. Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh, để đạt mục tiêu tăng trưởng hai con số, Việt Nam phải theo đuổi chính sách tài khóa mở rộng một cách có kiểm soát. Trong đó, giới hạn bội chi ngân sách cần được giữ ở mức tối đa 5% GDP, để đảm bảo an toàn tài chính quốc gia.

Tuy nhiên, nguồn lực cho chính sách tài khóa mở rộng không thể chỉ dựa vào vay nợ, mà phải được bù đắp bằng tiết kiệm từ chi thường xuyên ít nhất 3% ngân sách chính phủ thông qua các biện pháp cắt giảm và tối ưu hóa chi tiêu.

"Đây là một bài toán khó, khi ngân sách phải gánh thêm áp lực từ các chính sách miễn, giảm phí đối với các dịch vụ công thiết yếu như khám chữa bệnh và giáo dục phổ thông. Điều này đòi hỏi quyết tâm chính trị cao và cải cách mạnh tay trong cơ cấu chi tiêu công, để tránh tình trạng chi dàn trải, kém hiệu quả làm triệt tiêu dư địa tăng trưởng dài hạn", TS Cung cho hay.

Tái cấu trúc toàn diện - không chỉ tốc độ, mà là chất lượng

Nêu quan điểm, PGS.TS Trần Đình Thiên đặt vấn đề: Trong suốt 40 năm qua, Việt Nam chưa từng đạt mức tăng trưởng GDP hai con số. Cao nhất chỉ là 9,5% (1995) và 9,3% (1996). Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng trung bình theo từng chu kỳ 10 năm lại đang có xu hướng suy giảm rõ rệt.

“Với xu thế giảm tốc hiện nay, đâu là cơ sở để đặt mục tiêu tăng trưởng hai con số – điều mà chúng ta chưa từng làm được trong hoàn cảnh thuận lợi hơn?”.

TS. Nguyễn Đình Cung: Muốn tăng trưởng 2 con số, đầu tư xã hội phải đạt 40% GDP

Ba động lực tăng trưởng truyền thống đang suy yếu, Việt Nam cần cú hích tái cấu trúc sâu.

Để đạt mục tiêu tham vọng này, Việt Nam buộc phải tăng cường năng lực nội sinh, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, và quan trọng nhất là đổi mới mô hình tăng trưởng. Bối cảnh toàn cầu bất định không cho phép chúng ta đi theo lối mòn cũ.

“Thời cơ đang mở ra là chưa từng có. Nếu không hành động kịp thời, chúng ta sẽ tự đánh mất cơ hội vàng của mình", PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Theo ông Thiên, muốn tăng trưởng bền vững, Việt Nam cần một cú hích tái cấu trúc mạnh mẽ về chiều sâu. Ba động lực truyền thống: đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu đang cho thấy sự suy yếu. Cụ thể, đầu tư tư nhân còn nhỏ, mất cân đối; đầu tư công triển khai chậm chạp; vòng quay tiền tệ yếu; và xuất khẩu bị thách thức bởi chủ nghĩa bảo hộ.

Đặc biệt, ông lưu ý không thể tiếp tục cải cách theo kiểu "xin - cho", nơi sáng kiến chỉ được thực hiện nếu có đơn xin và người đứng đầu thoát trách nhiệm. Ông nhấn mạnh: Muốn đổi mới triệt để, tư duy cải cách phải từ trên xuống một cách quyết liệt và toàn diện. Doanh nghiệp không thể tiếp tục làm ăn theo kiểu cũ. Phải hình thành một lực lượng doanh nghiệp mới mạnh hơn, sáng tạo hơn và được ưu tiên tối đa về chính sách.

"Bên cạnh việc thu hút các "đại bàng", Việt Nam cần chủ động kiến tạo những "cánh rừng”, “cánh đồng” để các “đàn ong” có thể sinh sôi, lấy mật. Đây là cách tiếp cận cân bằng, đảm bảo phát triển kinh tế dựa trên nền tảng nội lực rộng khắp, không phụ thuộc vào một vài đầu tàu lớn", TS Cung cho hay.

Bài học từ Hàn Quốc hay Đài Loan đều cho thấy vai trò thiết yếu của khối doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong khi Hàn Quốc xây dựng được hệ sinh thái các doanh nghiệp vệ tinh quanh các tập đoàn lớn, thì Đài Loan thành công với chiến lược phát triển các doanh nghiệp nhỏ, gia đình – mô hình “đàn ong” lan tỏa, năng động và bền bỉ.

Theo đó, ông đề xuất triển khai một chương trình quốc gia về khởi nghiệp và phát triển kinh tế tư nhân, đặt mục tiêu đến năm 2030 có ít nhất 1,5 triệu doanh nghiệp đang hoạt động, tạo nên lực lượng sản xuất đa tầng, linh hoạt và sáng tạo.

Cùng với đó, TS. Cung kiến nghị hình thành các điểm thể chế đột phá, thông qua việc thành lập các khu tự do đổi mới sáng tạo công nghệ cao, với cơ chế ưu đãi vượt trội về thủ tục, thuế, đất đai, visa và lưu trú. Đây sẽ là không gian mở cho các hoạt động nghiên cứu phát triển (R&D), thử nghiệm, sản xuất và thương mại hóa công nghệ, với sự đồng hành của Nhà nước thông qua các quỹ hỗ trợ quốc gia, ngành và địa phương.