Tập đoàn Dabaco (mã chứng khoán: DBC) xuất phát điểm là một doanh nghiệp nhà nước đang đứng trước bờ vực phá sản, Công ty Dâu tằm tơ Hà Bắc xưa kia đã hoàn toàn "thay da đổi thịt" và phát triển thành một tập đoàn đa ngành nổi tiếng cả nước.

Người đứng sau những thành công của Dabaco là doanh nhân Nguyễn Như So, ‘’vị thuyền trưởng’’ đưa Dabaco từ con số 0 tới ngày trở thành công ty hàng đầu về chăn nuôi của Việt Nam.

Sau khi xuất ngũ và lấy được tấm bằng cử nhân kinh tế, năm 1988, ông được điều về làm Phó Giám đốc Công ty Vật tư Hà Bắc. Năm 1996, khi đang làm tốt công việc thì ông được tỉnh điều chuyển về làm Giám đốc Công ty Dâu tằm tơ Hà Bắc - một doanh nghiệp làm ăn bết bát và đang nằm trong diện giải thể. Về thực chất là được lên chức nhưng thực ra là một thử thách không nhỏ đối với ông So.

Từ ‘anh nuôi gà’ đến đại gia chăn nuôi, Dabaco sở hữu nhiều sáng chế trong lĩnh vực thực phẩm, chinh phục công nghệ sinh học chế tạo vaccine
Ông Nguyễn Như So - Chủ tịch HĐQT Dabaco

Sau khi ông So về, tỉnh đổi tên Công ty Dâu tằm tơ Hà Bắc thành Công ty Nông sản Bắc Ninh. "Mác mới" nhưng "ruột" cũ. “Khi đó, Công ty không còn hoạt động sản xuất, chỉ còn lại vài công nhân. Cơ sở vật chất hầu như không có gì ngoài mấy cái máy hàn trị giá 2,5 triệu và khu đất cỏ mọc xanh um”, ông So nhớ lại.

Mục tiêu đầu tiên ông đặt ra là xây dựng được một nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi và một trại gà giống, nhưng việc triển khai kế hoạch này khó khăn hơn nhiều so với dự liệu ban đầu.

Đề án xây dựng nhà máy có tổng vốn đầu tư 20 tỷ đồng (thời giá 1996) thì Tỉnh chỉ đồng ý cấp kinh phí 1 tỷ đồng. Ông lập hồ sơ dự án xin vay vốn ngân hàng, song ngân hàng cũng từ chối nốt. Phải đến khi có sự bảo lãnh của UBND tỉnh, ông mới vay được 500.000 USD từ ngân hàng để nhập khẩu dây chuyền sản xuất và thiết bị.

Khi có được kinh phí hoạt động, ông đã cùng đội ngũ kỹ thuật sang Thái Lan và một số nước có công nghệ nông nghiệp tiên tiến để tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Khi đã nắm được công thức pha trộn chuẩn, Công ty thực sự đi vào giai đoạn phát triển sản xuất và chỉ một năm sau đó, sản lượng đã tăng lên gần gấp đôi. Đến cuối năm 1998, ông Nguyễn Như So tiếp tục đầu tư xây dựng nhà máy thứ hai. Đến nay, Tập đoàn Dabaco Việt Nam có hệ thống các trang trại chăn nuôi gia công gà, gia công lợn với quy mô lớn, trang thiết bị hiện đại, tự động hóa và thân thiện với môi trường.

Cùng với đó là công nghiệp phụ trợ hoàn thiện cho hệ sinh thái của Dabaco như nhà máy ép dầu thực vật, nhà máy sản xuất bao bì nhựa PP, PE tại tỉnh Bắc Ninh và 1 nhà máy sơ chế nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi tại tỉnh Hòa Bình.

Để hỗ trợ lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm, Dabaco có Trung tâm nghiên cứu ứng dụng và phát triển giống gia súc gia cầm và Trung tâm chẩn đoán thú y.

Để hỗ trợ tiêu thụ thực phẩm, Dabaco xây dựng và phát triển chuỗi hệ thống Trung tâm Thương mại, Siêu thị, Nhà hàng và các cửa hàng tiện ích…

Từ ‘anh nuôi gà’ đến đại gia chăn nuôi, Dabaco sở hữu nhiều sáng chế trong lĩnh vực thực phẩm, chinh phục công nghệ sinh học chế tạo vaccine
Một trang trại chăn nuôi của Dabaco

Chính mô hình sản xuất khép kín, cung cấp thực phẩm sạch từ trang trại – nhà máy – đến bàn ăn đã tạo nên hệ sinh thái 3F (Feed – Farm – Food) riêng có của Dabaco.

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác giống vật nuôi, Dabaco đã thành lập Trung tâm công nghệ sinh học để thực hiện các hoạt động nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh lực chăn nuôi, thú y, đặc biệt là trong lĩnh vực gen – di truyền, nhằm chủ động về nguồn gen, chọn tạo ra các con giống lợn, gà có năng suất, chất lượng cao phục vụ cho người chăn nuôi, vì mục tiêu phát triển bền vững.

Tiến lên không ngừng nghỉ từng bước một, mỗi khó khăn là một lần mạnh mẽ hơn. Thời điểm năm 2023, Ông Nguyễn Như So từng nhận định, đây một năm rất khó khăn với doanh nghiệp, thậm chí là năm khó khăn nhất với cá nhân ông trong gần 28 năm điều hành doanh nghiệp. Giá thịt lợn chạm đến vùng đáy 48.800 đồng/kg cùng với giá một số nguyên liệu chính nhập khẩu dùng cho thức ăn chăn nuôi luôn biến động, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc trong nước diễn biến phức tạp cũng là những thách thức mà các doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi phải đối mặt.

Vậy nhưng, Dabaco là vẫn là một trong những doanh nghiệp chăn nuôi hiếm hoi báo lãi năm 2023. 3 quý đầu năm ngành gặp vô vàn khó khăn, chỉ đến quý IV, “ánh sáng” mới hé mở cho ngành khi giá nguyên liệu chính sản xuất thức ăn chăn nuôi nhập khẩu cũng như giá nông sản trong nước giảm, theo đó giá thành sản xuất thức ăn chăn nuôi giảm. Các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi đều có lãi và lợi nhuận tăng so với cùng kỳ năm trước.

Luỹ kế cả năm 2023, Dabaco đạt 11.110 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm nhẹ 4% so với năm 2022. Công ty báo lãi sau thuế 25 tỷ đồng cả năm, gấp 5 lần cùng kỳ.

Từ ‘anh nuôi gà’ đến đại gia chăn nuôi, Dabaco sở hữu nhiều sáng chế trong lĩnh vực thực phẩm, chinh phục công nghệ sinh học chế tạo vaccine
Dabaco và Guangdong Winsun Bio Pharmaceutical đã tổ chức ký kết Thỏa thuận hợp tác nghiên cứu, sản xuất vắc xin dùng trong thú y

Cột mốc đáng ghi nhớ của Dabaco trong năm qua chính là Dabaco là 1 trong 3 doanh nghiệp Việt Nam thành công trong việc nghiên cứu vaccine dịch tả lợn châu Phi, giải bài toán khó trăm năm cho cả thế giới.

Thương mại vaccine sẽ mở ra một cánh cửa kinh doanh đầy tiềm năng cho doanh nghiệp, là động lực kinh doanh mới cho Dabaco.

Với thị trường vắc xin quy mô hàng tỷ USD tính theo quy mô đàn lợn, việc thương mại được vaccine cho loại dịch bệnh tồn tại hàng trăm năm trên thế giới mở ra cơ hội cho những doanh nghiệp như Dabaco.

Dabaco (DBC) không chỉ có lợi thế của một doanh nghiệp sản xuất vaccine, mở ra cánh cửa tỷ USD, Dabaco còn là doanh nghiệp hàng đầu trong cả nước về phát triển nông nghiệp, chăn nuôi và cung ứng các sản phẩm công nghệ cao theo mô hình khép kín.

Việc nghiên cứu thành công vaccine dịch tả lợn châu Phi bên cạnh việc liên kết với doanh nghiệp sản xuất vaccine lớn của Trung Quốc chính là mảnh ghép hoàn hảo cho chuỗi quy trình khép kín của doanh nghiệp.