Ngày 9/7/2025, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank - TCB) tổ chức Hội nghị Đầu tư Techcombank 2025 – sự kiện thường niên quy mô lớn nhằm kết nối nhà đầu tư với các lãnh đạo doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế và hoạch định chính sách.
Hiện diện tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Phương Thảo – Chủ tịch Vietjet (VJC), đồng thời là nhà sáng lập Tập đoàn Sovico – đã có những chia sẻ gây chú ý về vai trò của kinh tế tư nhân và tiềm năng đầu tư trong kỷ nguyên mới.
Phát biểu mở đầu, nữ tỷ phú nhấn mạnh: "Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị đã xác định kinh tế tư nhân là lực lượng tiên phong tạo việc làm, nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Mục tiêu tới năm 2030, khu vực này đã đóng góp tới 65% GDP quốc gia".
Bà Thảo kiến nghị Chính phủ tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành tỷ giá linh hoạt, đồng thời đẩy mạnh tín dụng số hóa, phát triển thị trường trái phiếu và mở rộng các nguồn vốn xanh.
Bà cũng nhấn mạnh cần tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) như EVFTA, CPTPP để thu hút dòng vốn quốc tế chất lượng cao vào Việt Nam. Song song, bà đề xuất tăng cường đầu tư vào trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain, kinh tế tuần hoàn, và thúc đẩy phát triển các công nghệ "Made in Vietnam".
Nhắc tới Sovico, bà Thảo cho biết đây là một trong những tập đoàn tư nhân đã trưởng thành cùng nền kinh tế Việt Nam trong suốt hơn 30 năm qua, hoạt động đa ngành từ tài chính, hàng không, đô thị đến chuyển đổi số.
Với HDBank (HDB), từ năm 2019 tới nay, những nhà đầu tư đồng hành cùng HDBank đã tăng trưởng tài sản khoảng 4,5 lần – một minh chứng rõ nét cho phát triển bền vững, hiệu quả.
Với Vietjet, hãng hàng không này đã giúp Việt Nam mở ra cánh cửa kết nối thế giới.
![]() |
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo phát biểu tại Hội nghị |
Đặc biệt, Chủ tịch Vietjet gây ấn tượng khi kể lại, hôm nay, tới Hội nghị, bà mặc bộ vest từng mặc trong ngày đánh cồng khai trương phiên giao dịch đầu tiên của hãng.
"Hôm nay, tôi đến dự hội nghị, mặc bộ vest mà năm xưa mặc để đánh cồng khai trương phiên giao dịch đầu tiên của Vietjet", vị tỷ phú chia sẻ.
Bà cho biết những nhà đầu tư đồng hành với Vietjet từ khi IPO đã tăng tài sản khoảng 5 lần. Còn những ai đầu tư từ giai đoạn đầu, khoảng 5 năm trước đó thì mức tăng trưởng lên tới 100 lần.
Không chỉ dừng ở thành tựu trong nước, Vietjet đang từng bước mở rộng ra quốc tế. Mới đây, hãng đã đặt mua thêm hơn 400 máy bay thế hệ mới, trở thành một trong ba hãng hàng không toàn cầu có đơn hàng lớn nhất thế giới – trong bối cảnh máy bay đang khan hiếm.
Tính đến nay, Vietjet đã vận chuyển hơn 220 triệu lượt hành khách, mở rộng mạng bay đến các thị trường đông dân như Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia, Australia, tiếp cận gần 4 tỷ người tiêu dùng.
Đáng chú ý, Vietjet còn mang chuông đi đánh xứ người với việc thành lập Vietjet Thái Lan. Hiện hãng bay sở hữu hơn 20 tàu bay và thuộc nhóm các hãng hàng không dẫn đầu tại quốc gia này.
Trong thời gian tới, bà Thảo khẳng định Vietjet sẽ tiếp tục xây dựng một hệ sinh thái hàng không toàn diện, bao gồm kỹ thuật, logistics, đào tạo nhân lực và hợp tác sâu với các tập đoàn hàng không hàng đầu như Airbus và Boeing. Mục tiêu là đưa Việt Nam trở thành trung tâm hàng không của khu vực và thế giới.
Hiện hãng đã ký các hợp đồng đặt mua 406 máy bay thân hẹp từ Boeing và Airbus – không chỉ là bước đi chiến lược dài hạn cho ngành hàng không Việt Nam.
Ngoài ra, Vietjet còn ký loạt hợp đồng giá trị lớn với các tập đoàn công nghiệp hàng không của Mỹ như GE, Pratt & Whitney, RTX, Honeywell, SpaceX, với tổng giá trị lên tới hàng chục tỷ USD.
Không chỉ dừng ở hàng không, Vietjet và các công ty thành viên trong Tập đoàn Sovico đang mở rộng sang nhiều lĩnh vực trọng điểm. Theo kế hoạch, tổng vốn đầu tư dự kiến có thể lên tới 120 tỷ USD từ nay đến năm 2033.