Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), trong quý I/2025, xuất khẩu nhuyễn thể có vỏ của Việt Nam ghi nhận tăng trưởng đột phá, đạt tổng kim ngạch hơn 63 triệu USD, tăng 109% so với cùng kỳ năm trước.

Đặc biệt, thị trường Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) đã vươn lên vị trí dẫn đầu, với tổng giá trị nhập khẩu hơn 23 triệu USD, tăng gần 2.000%.

'Vàng dưới biển' Việt Nam gây sốt tại Trung Quốc: Xuất khẩu tăng dựng đứng gần 2.000%, thu về hàng chục triệu USD
Trung Quốc vươn lên thành thị trường tiêu thụ lớn nhất nhuyễn thể có vỏ của Việt Nam - Ảnh minh họa

Nếu quý I/2024, Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) chỉ chiếm 4% thì sang quý I/2025 thị trường này đã nhảy vọt lên chiếm tới 37%. Con số này vượt xa các thị trường quan trọng khác như EU với 18 triệu USD, Mỹ với hơn 6 triệu USD.

Theo VASEP, trong bối cảnh EU – thị trường truyền thống – đang giảm tỷ trọng do yếu tố cạnh tranh và quy định khắt khe hơn, Trung Quốc nổi lên như một thị trường chiến lược. Ngoài quy mô tiêu thụ lớn, thị trường này còn linh hoạt hơn trong quy chuẩn nhập khẩu và có hệ thống tiêu thụ đa dạng từ siêu thị đến chợ đầu mối.

Trung Quốc hiện nhập khẩu nhiều nhất các loại ốc hương, nghêu và điệp. Trong đó, ốc hương sống chiếm áp đảo với gần 16 triệu USD, tiếp theo là nghêu sống gần 5 triệu USD và điệp đông lạnh gần 3 triệu USD.

'Vàng dưới biển' Việt Nam gây sốt tại Trung Quốc: Xuất khẩu tăng dựng đứng gần 2.000%, thu về hàng chục triệu USD

Trong quý I/2025, xuất khẩu ốc hương sống sang Trung Quốc thu về tới 16 triệu USD - Ảnh minh họa

Cơ cấu nhập khẩu này cho thấy rõ xu hướng tiêu dùng của người dân Trung Quốc đang ngày càng ưa chuộng các sản phẩm tươi sống và đông lạnh chất lượng cao, một lợi thế lớn cho các doanh nghiệp sản xuất và chế biến nhuyễn thể của Việt Nam.

Đặc biệt, chuyến thăm chính thức Việt Nam của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 4/2025 vừa qua được xem là một cú hích quan trọng, tạo thêm động lực mạnh mẽ cho quan hệ thương mại song phương. Hai bên cam kết tăng cường hợp tác trong lĩnh vực nông thủy sản, thúc đẩy quy trình thông quan thuận lợi hơn, mở rộng “luồng xanh” cho hàng tươi sống của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc, giúp rút ngắn thời gian và chi phí logistics.