Sáng 19/4, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức Lễ hưởng ứng Ngày Sáng tạo và Đổi mới sáng tạo thế giới năm 2024.

Theo thống kê từ Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN, hiện Việt Nam có khoảng 3.800 startup, trong đó 11 startup được định giá trên 100 triệu USD (Tiki, Topica Edtech... ) và 3 startup được định giá trên 1 tỷ USD (VNG, VNLife, MoMo). Hiện đang có 208 quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động và đầu tư cho các startup tại Việt Nam, trong đó có gần 40 quỹ đầu tư nội địa...

Việt Nam hiện đứng thứ 3 khu vực về số các thương vụ đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, sau Indonesia và Singapore.

Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam cũng ngày càng phát triển, tạo ra một thế hệ doanh nghiệp mới, kinh doanh dựa trên tài sản trí tuệ và đủ năng lực tiếp cận thị trường toàn cầu.

Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới, Việt Nam còn nhiều dư địa để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, lực lượng chiếm 98% tổng số doanh nghiệp.

Việt Nam có 3.800 startup, trong đó 11 doanh nghiệp được định giá trên 100 triệu USD
VNG Campus trụ sở của công ty VNG - startup công nghệ được xếp hạng kỳ lân. Ảnh: VNG

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, với sự chung tay của các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà khoa học, sự hỗ trợ của các tổ chức, bạn bè quốc tế, hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia ngày càng hoàn thiện.

Từ năm 2017, Bộ chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới công bố hằng năm đã được Chính phủ sử dụng như một công cụ quan trọng nhằm tham khảo, xây dựng, ban hành các chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở Việt Nam.

Cũng từ năm 2017 đến nay, chỉ số GII của Việt Nam liên tục được cải thiện (tăng từ vị trí 59 năm 2016 lên vị trí 46 năm 2023). Việt Nam luôn duy trì vị trí thứ 2 trong nhóm các quốc gia thu nhập trung bình thấp và là một trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua.

Dẫn xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) 2023, bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc đánh giá tầm nhìn của Việt Nam về đổi mới, công nghệ và chuyển đổi số rất tham vọng và Việt Nam đã cho thấy những tiến bộ, tiềm năng vượt trội.

"Sự tiến bộ này là điều quan trọng để Việt Nam đạt được tầm nhìn trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 và Liên Hợp Quốc mong muốn được song hành, hỗ trợ Việt Nam trong hành trình hướng tới mục tiêu này", bà Pauline Tamesis cho biết.

Năm nay, chủ đề được lựa chọn là “Inspire” - truyền cảm hứng, phản ánh vai trò quan trọng của giáo dục trong việc nuôi dưỡng tâm trí sáng tạo cho thế hệ trẻ, đặc biệt là trong việc bổ sung sức mạnh cho thanh niên trong lĩnh vực STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học).