Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong quý I/2025, Việt Nam xuất khẩu 26.880 tấn chè, trị giá 43,07 triệu USD, tăng 1,3% về lượng nhưng giảm 0,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2024. Giá xuất khẩu bình quân đạt 1.602 USD/tấn, giảm 1,5% so với cùng kỳ năm trước .

Đáng chú ý, giá chè xuất khẩu của Việt Nam chỉ bằng khoảng 65% so với mức giá bình quân trên thế giới. Nguyên nhân chủ yếu do phần lớn chè xuất khẩu là hàng thô, chưa qua chế biến sâu, đóng gói đơn giản, thiếu nhãn mác và thương hiệu rõ ràng.

Việt Nam có hơn 122.000ha 'vàng xanh' nhưng lợi nhuận nhỏ giọt
Giá chè xuất khẩu của Việt Nam chỉ bằng khoảng 65% so với mức giá bình quân trên thế giới. Ảnh minh họa

Trong quý I/2025, Mỹ nhập khẩu hơn 1.500 tấn chè từ Việt Nam, trị giá trên 2,1 triệu USD, chủ yếu là chè đen. Đây là thị trường xuất khẩu chè lớn thứ 6 của Việt Nam, chiếm 5,62% thị phần.

Tuy nhiên, từ tháng 4/2025, Mỹ áp dụng mức thuế nhập khẩu 46% đối với hàng hóa từ Việt Nam, trong đó có chè. Điều này đặt ra thách thức lớn cho ngành chè Việt Nam trong việc duy trì và mở rộng thị phần tại thị trường này.

Hiện nay, diện tích chè cả nước đạt khoảng 122.000 ha, tập trung chủ yếu tại các tỉnh Thái Nguyên, Phú Thọ, Lâm Đồng, Nghệ An, Yên Bái và Hà Giang. Để nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn định hướng đến năm 2030, diện tích chè được chứng nhận sạch, an toàn (hữu cơ, GAP, VietGAP) đạt hơn 70%, đồng thời ứng dụng công nghệ cao trong các khâu sản xuất và chế biến.

Ngoài ra, việc đầu tư vào chế biến sâu, xây dựng thương hiệu và nâng cao chất lượng sản phẩm là những yếu tố then chốt giúp ngành chè Việt Nam tăng giá trị xuất khẩu và khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế.