Chính phủ Việt Nam vừa chính thức phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, với tổng vốn đầu tư giai đoạn 2026-2030 lên đến 136,3 tỷ USD. Mục tiêu là nâng tổng công suất nguồn điện quốc gia lên 183.000-236.000MW vào năm 2030, mở đường cho quá trình chuyển đổi năng lượng xanh, hiện đại và bền vững. Đáng chú ý, điện hạt nhân lần đầu tiên được đưa trở lại lộ trình phát triển, đánh dấu bước ngoặt lớn trong chiến lược năng lượng quốc gia.

Trong cơ cấu nguồn điện mới, năng lượng tái tạo tiếp tục giữ vai trò chủ đạo. Điện mặt trời được quy hoạch với công suất từ 46.459 đến 73.416MW, chiếm khoảng 25,3%-31,1% tổng công suất lắp đặt. Điện gió trên bờ và gần bờ dự kiến đạt 26.066-38.029MW (14,2%-16,1%), trong khi điện gió ngoài khơi sẽ bắt đầu vận hành từ 2030 với công suất ban đầu 6.000-17.032 -MW, hướng đến mục tiêu dài hạn 139.000MW vào năm 2050.

Chiến lược cũng nhấn mạnh việc phổ biến điện mặt trời mái nhà trong cộng đồng: đến năm 2030, 50% công sở và hộ gia đình được khuyến khích sử dụng điện mặt trời tự sản, tự tiêu, không bán lên lưới. Đây là một phần quan trọng trong tiến trình chuyển đổi năng lượng công bằng, hướng tới trung hòa carbon vào năm 2050.

Đặc biệt, từ năm 2030 đến 2035, Việt Nam sẽ đưa vào vận hành hai nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 với tổng công suất từ 4.000-6.400 -MW, thực hiện theo các nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đến năm 2050, công suất điện hạt nhân có thể đạt hoặc vượt 8.000 -MW, tùy theo nhu cầu phát triển.

Việt Nam công bố quy hoạch hơn 136 tỷ USD: Điện hạt nhân 'tái xuất', kỷ nguyên năng lượng xanh và xuất khẩu bắt đầu
Từ năm 2030 đến 2035, Việt Nam sẽ đưa vào vận hành hai nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2. Ảnh minh hoạ

Bên cạnh đó, thủy điện vẫn là nguồn năng lượng nền tảng, được khai thác tối đa trong khuôn khổ bảo vệ môi trường và tài nguyên. Dự kiến đến năm 2030, công suất thủy điện đạt 33.294-34.667MW. Điện khí thiên nhiên và LNG cũng đóng vai trò trung gian, chiếm khoảng 9,5%- 12,3% tổng công suất, với định hướng chuyển đổi sang hydrogen khi công nghệ và giá thành cho phép.

Đối với nhiệt điện than, Chính phủ chủ trương không phát triển thêm dự án mới ngoài các dự án đã được quy hoạch và đang triển khai. Các nhà máy đã hoạt động trên 20 năm sẽ chuyển đổi dần sang sử dụng nhiên liệu sinh khối hoặc amoniac, còn những nhà máy trên 40 năm sẽ buộc phải dừng nếu không thể chuyển đổi. Song song, các nguồn điện sinh khối (1.523-2.699MW), điện rác (1.441-2.137MW) và địa nhiệt (45MW) cũng được khuyến khích phát triển để giảm gánh nặng môi trường và tận dụng phụ phẩm nông nghiệp, rác thải đô thị.

Quy hoạch mới cũng đặc biệt nhấn mạnh đến đầu tư cho hệ thống lưới điện thông minh. Giai đoạn 2025-2030, Việt Nam sẽ xây mới gần 13.000 km đường dây 500kV và 15.300km đường dây 220kV, đồng thời nâng cấp hàng chục ngàn MVA trạm biến áp. Từ sau 2031, các trạm chuyển đổi điện cao áp một chiều (HVDC) và điện xoay chiều HVAC trên 500kV sẽ được triển khai để nâng cao hiệu quả kết nối và tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo quy mô lớn.

Để đảm bảo vận hành ổn định toàn hệ thống, năng lực lưu trữ điện cũng được chú trọng. Việt Nam sẽ phát triển hệ thống pin lưu trữ và thủy điện tích năng với tổng công suất lên đến 16.300MW vào năm 2030 và 96.000MW vào năm 2050.

Về kết nối điện năng khu vực, Việt Nam sẽ nhập khẩu từ 9.360-12.100MW từ Lào và Trung Quốc vào năm 2030, hướng tới 14.688MW vào năm 2050. Đồng thời, quốc gia này đặt mục tiêu xuất khẩu khoảng 400 MW sang Campuchia trong năm 2030 và 5.000-10.000MW sang Singapore, Malaysia và các đối tác khác vào năm 2035. Tuy nhiên, các hoạt động xuất khẩu sẽ chỉ được triển khai nếu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và hiệu quả kinh tế.

Tổng vốn đầu tư cho toàn bộ quy hoạch đến năm 2050 được ước tính vượt 835 tỷ USD. Cụ thể:

Việt Nam công bố quy hoạch hơn 136 tỷ USD: Điện hạt nhân 'tái xuất', kỷ nguyên năng lượng xanh và xuất khẩu bắt đầu
Tổng vốn đầu tư cho toàn bộ quy hoạch từ 2026 đến năm 2050

Để phục vụ cho chiến lược năng lượng dài hạn, Việt Nam sẽ phát triển hai trung tâm công nghiệp năng lượng tái tạo liên vùng trước năm 2030, bao gồm các hoạt động sản xuất, lắp đặt, chế tạo thiết bị, dịch vụ kỹ thuật và thương mại điện. Các trung tâm này dự kiến được đặt tại các khu vực có tiềm năng cao như Bắc Bộ, Nam Trung Bộ và Nam Bộ.

Ngoài ra, chương trình mua bán điện trực tiếp (DPPA) sẽ được đẩy mạnh, phục vụ hơn 1.500 khách hàng lớn, mỗi năm tiêu thụ từ 1 triệu kWh điện trở lên, chiếm khoảng 25% tổng sản lượng điện quốc gia.