Theo Báo cáo Chiến lược Quản lý và Phát triển ngành Công nghiệp Trò chơi Điện tử trên mạng tại Việt Nam giai đoạn 2025 – 2030, Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung là khu vực có tốc độ tăng trưởng game di động cao nhất thế giới với mức tăng trưởng lên đến 7,4% mỗi năm trong giai đoạn 2022-2025.

Doanh thu ngành game dự kiến đạt 1,66 tỷ USD vào năm 2025 và tiếp tục tăng trưởng 9,77% mỗi năm, chạm mốc 2,42 tỷ USD vào năm 2029.

Bên cạnh đó, theo báo cáo của Statista của năm 2024, trò chơi di động (mobile game) – hình thức chơi game được yêu thích nhất của người Việt sẽ đạt 712 triệu USD doanh thu trong năm 2029.

Ngoài ra, Việt Nam còn được Bloomberg xếp hạng là một trong 5 quốc gia sản xuất game di động hàng đầu thế giới năm 2023 với 4,2 tỷ lượt tải toàn cầu, tăng trưởng gấp 2,5 lần trung bình thế giới.

Theo TikTok Marketing Science Global Gaming LiveOps Survey via AYTM, April 2024 (Tạm dịch: Khảo sát LiveOps trong ngành game toàn cầu của TikTok Marketing Science thực hiện qua nền tảng AYTM, tháng 4/2024), 59% người dùng TikTok từng khám phá tựa game mới thông qua những nội dung sáng tạo trên nền tảng. Bên cạnh đó, có 64% người dùng từng tương tác với nội dung game có sự kết hợp với những nội dung liên quan đến âm nhạc, đời sống và giải trí.

Chia sẻ tại sự kiện, bà Maayan Kolter - Giám đốc phát triển toàn cầu mảng Gaming tại TikTok cho biết: "Việt Nam hiện đang nổi lên như một trong những trung tâm sáng tạo hàng đầu của ngành công nghiệp game tại Đông Nam Á. Với sự phát triển mạnh mẽ của cộng đồng đam mê xây dựng trò chơi, cùng sự đồng hành từ chính phủ, các nhà phát hành game Việt không chỉ tạo ra những tựa game thành công trong nước mà còn vươn tầm quốc tế”.

Việt Nam nằm ở đâu trong ngành công nghiệp game thế giới?

Sự kiện Gaming On TikTok Hanoi Summit 2025 - Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+

Ngoài ra, tại sự kiện, ông Đỗ Việt Hùng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thể thao Điện tử châu Á (AESF) và Chủ tịch Hội Thể thao Điện tử Giải trí Việt Nam (VIRESA) phát biểu: “Ngành game Việt Nam đang chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ, không chỉ về mặt công nghệ mà còn trong cách tiếp cận và kết nối với người chơi. Việc tận dụng các nền tảng số như TikTok để lan tỏa nội dung sáng tạo và xây dựng cộng đồng là một bước đi chiến lược”.

Theo báo cáo của Newzoo, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia có lượng người chơi game đông đảo nhất thế giới, với hơn 40 triệu game thủ tính đến năm 2023. Bên cạnh đó, tại Việt Nam, doanh thu ngành game tại thị trường nội địa đạt hơn 507 triệu USD vào năm 2023 và thêm 200 triệu USD từ game xuất khẩu.

Tuy nhiên, một trong những thách thức của ngành game Việt Nam là bài toán nhân lực. Theo Hiệp hội Phát triển Game Việt Nam, chỉ khoảng 30% sinh viên tốt nghiệp có đủ kỹ năng và tiêu chuẩn để đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của các công ty. Năm 2023, chỉ khoảng 40% nhu cầu nhân lực trong ngành được các cơ sở giáo dục và trung tâm đào tạo đáp ứng.

Để giải quyết vấn đề này, nhiều đơn vị đã bắt tay hợp tác để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Tháng 7/2024, VNG và Học viện Bưu chính Viễn thông (PTIT) đã chính thức công bố hợp tác đào tạo và xây dựng phát triển nguồn nhân lực cho ngành game Việt Nam.

Ông Lã Xuân Thắng - Giám đốc Phát hành Trò chơi trực tuyến, VNGGames chia sẻ với báo Lao Động: “VNG đánh giá cao việc PTIT mở ngành đào tạo game chính quy, bởi đây là bước tiến quan trọng cho ngành game Việt Nam. Chương trình sẽ đào tạo bài bản nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo cơ hội cho giới trẻ đam mê ngành game và góp phần thay đổi nhận thức xã hội về lĩnh vực này”.