Tầng lớp siêu giàu tại Việt Nam gia tăng
Việt Nam đang bước vào thời kỳ phát triển mới với sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu và người giàu có. Theo báo cáo The Wealth Report 2025, hiện có khoảng 5.459 cá nhân tại Việt Nam sở hữu tài sản ròng trên 10 triệu USD. Dự báo đến năm 2028, số lượng cá nhân “siêu giàu” có thể đạt gần 1.000 người, tăng 30% so với năm 2023.
Xu hướng này phản ánh sự vận động tích cực của nền kinh tế cùng các chính sách khuyến khích khu vực tư nhân, đặc biệt là Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân toàn diện và bền vững.
Theo các chuyên gia, điều này kéo theo nhu cầu quản lý tài chính và tài sản ngày càng trở nên cấp thiết, nhất là khi tầng lớp người giàu ngày càng mở rộng cả về số lượng lẫn độ tuổi.
Trong talk show Phố Tài chính trên VTV8, ông Lu Hui Hung – Tổng Giám đốc Công ty CP Quản lý Quỹ Phú Hưng (PHFM) – nhận định, sự gia tăng của tầng lớp trung lưu là kết quả tất yếu của quá trình cải cách kinh tế và mở cửa thị trường trong hơn hai thập kỷ qua.
Sự tích lũy tài sản trong nhóm dân cư này góp phần ổn định nền kinh tế thông qua tiêu dùng trong nước và đầu tư vào các lĩnh vực mới nổi như công nghệ, năng lượng tái tạo. Việt Nam đang đi theo xu hướng tương tự như Trung Quốc trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ trước đây, nơi vốn tư nhân đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế.
Đáng chú ý, thế hệ Gen Z và Millennials tại Việt Nam đang đầu tư từ rất sớm. Tại PHFM, lượng nhà đầu tư trẻ tăng gần 40% trong thời gian qua, thể hiện sự quan tâm ngày càng lớn đến tự do tài chính. Tuy nhiên, đi kèm cơ hội là rủi ro, và việc thiếu kiến thức đầu tư có thể dẫn đến hậu quả tài chính nghiêm trọng.
![]() |
Ông Lu Hui Hung và ông Mạc Quốc Anh tại Talkshow Phố Tài chính. |
Quản lý tài sản không còn là khái niệm xa vời
Ông Lu Hui Hung cho biết, các dịch vụ quản lý tài sản chuyên nghiệp đang đóng vai trò thiết yếu giúp nhà đầu tư cá nhân – đặc biệt là người trẻ – xây dựng kỷ luật đầu tư, lập kế hoạch tài chính dài hạn và kiểm soát rủi ro. Bên cạnh đó, những cải tiến chính sách trong nước, như hệ thống giao dịch KRX, chuẩn mực kế toán IFRS, khung pháp lý cho trái phiếu và tài chính số, đang tạo nền tảng minh bạch và ổn định hơn cho nhà đầu tư.
Việc quản lý tài sản không chỉ dành cho người siêu giàu. Trong bối cảnh thị trường tài chính ngày càng số hóa, các công cụ đầu tư trực tuyến, robot tư vấn tài chính (robo-advisors), và danh mục ESG đang trở thành lựa chọn phổ biến cho nhiều tầng lớp nhà đầu tư tại Việt Nam.
Bình luận về Nghị quyết 68, ông Lu cho rằng đây là một bước đi chiến lược, không chỉ thúc đẩy sự phát triển của các tập đoàn tư nhân lớn mà còn mở đường cho doanh nghiệp nhỏ, cá nhân khởi nghiệp. Mục tiêu tạo dựng một nền văn hóa tích lũy tài sản hợp pháp và công bằng, đồng thời mở rộng khả năng tham gia vào nền kinh tế cho mọi người dân.
Theo World Bank và IFC, một khu vực kinh tế tư nhân mạnh sẽ tăng năng suất quốc gia và khả năng chống chịu với các cú sốc toàn cầu. Định hướng đến năm 2030, doanh nghiệp tư nhân sẽ đóng góp hơn 60% GDP là một chỉ dấu cho thấy vai trò của người dân trong việc kiến tạo của cải quốc gia.
Kết lại, ông Lu nhấn mạnh: để đạt được tự do tài chính, người dân cần chủ động xây dựng nền tảng kiến thức tài chính, bắt đầu đầu tư sớm với chiến lược rõ ràng và kiên định. Các chuyên gia tài chính và công ty quản lý tài sản có thể đóng vai trò hướng dẫn và hỗ trợ trong quá trình này.
Việt Nam đang chứng kiến sự chuyển mình không chỉ về cơ sở hạ tầng và chính sách, mà còn về tư duy tài chính trong từng cá nhân. Việc thúc đẩy quản lý tài sản và tài chính cá nhân sẽ góp phần xây dựng một nền kinh tế bền vững, nơi mỗi công dân đều có thể đóng góp và hưởng lợi từ sự phát triển chung.