Trong Báo cáo Phát triển Con người năm 2025 vừa được UNDP công bố, Việt Nam ghi nhận chỉ số HDI đạt 0,766, đứng thứ 93/193 quốc gia và duy trì vững chắc trong nhóm nước có phát triển con người cao. Điều đáng nói, thành tích này đến trong bối cảnh thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam vẫn ở mức trung bình thấp, thấp hơn nhiều quốc gia có HDI thấp hơn Việt Nam. Đây chính là điều mà đại diện UNDP tại Việt Nam gọi là một “trường hợp đáng chú ý”.

So với các nước trong khu vực, Việt Nam hiện xếp thứ 5 ở ASEAN, sau Singapore (0,946), Brunei (0,837), Malaysia (0,819) và Thái Lan (0,798), nhưng vượt Indonesia (0,728), Philippines (0,720) và bỏ xa Lào, Campuchia. Trong khi một số nước thu nhập trung bình khá vẫn dậm chân ở nhóm “HDI trung bình”, Việt Nam đã tiến nhanh hơn nhờ các trụ cột phát triển xã hội bền vững.

Đáng chú ý, theo bảng xếp hạng đi kèm báo cáo, thu nhập bình quân đầu người (GNI per capita) của Việt Nam hiện chỉ xếp hạng 107, trong khi HDI xếp hạng 93. Điều đó tạo ra một chênh lệch dương 14 bậc, được UNDP tính bằng chỉ số “GNI per capita rank minus HDI rank = +14”. Nghĩa là Việt Nam đang phát triển con người vượt kỳ vọng so với tiềm lực kinh tế thực tế, một điều hiếm gặp ở nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp.

So sánh trong khu vực, Indonesia có GNI/người xếp hạng 105, HDI hạng 113, chênh lệch -8 bậc. Trong khi đó, Philippines có GNI xếp hạng 117, HDI hạng 117 và Campuchia xếp trùng cả GNI và HDI ở vị trí 151. Với chênh lệch +14, Việt Nam đang là quốc gia nổi bật nhất Đông Nam Á về hiệu suất phát triển con người tính theo thu nhập.

Báo cáo nhấn mạnh rằng giáo dục phổ cập, tuổi thọ cao và dịch vụ y tế toàn dân là những yếu tố giúp Việt Nam cải thiện HDI rõ rệt trong ba thập kỷ qua. Từ mức HDI chỉ 0,499 năm 1990, Việt Nam đã nâng gần 53,5% để đạt 0,766 vào năm 2023. Đây là một trong những mức tăng nhanh và ổn định nhất khu vực Đông Nam Á.

Việt Nam tạo kỳ tích: Chỉ số phát triển con người vượt 14 bậc so với thu nhập, dẫn đầu khu vực
Việt Nam ghi nhận chỉ số HDI đạt 0,766, đứng thứ 93/193 quốc gia (Ảnh minh họa)

So với các quốc gia có HDI rất cao như Singapore (0,946) hay Brunei (0,837), Việt Nam vẫn còn khoảng cách rõ rệt. Tuy nhiên, lợi thế của Việt Nam là nền tảng dân số trẻ, tốc độ đô thị hóa nhanh, cùng khả năng thích ứng tốt với các xu hướng toàn cầu như chuyển đổi số, kinh tế xanh, và giáo dục mở.

Việt Nam đang đứng ở điểm giao thời: một bên là thành tựu đã đạt được, một bên là thách thức của phát triển công bằng và bền vững. Việc duy trì và nâng cao HDI trong những năm tới không chỉ là câu chuyện của xếp hạng quốc tế, mà là thước đo rõ ràng cho chính sự tiến bộ của từng người dân trong xã hội.