Vinamilk và hành trình gần nửa thế kỷ phát triển

Vinamilk – cái tên đã trở nên quen thuộc với hàng triệu gia đình Việt Nam, không chỉ là thương hiệu sữa quốc gia mà còn là niềm tự hào của ngành thực phẩm nước nhà trên bản đồ thế giới. Trải qua gần nửa thập kỷ hình thành và phát triển, Vinamilk đã tạo dựng được một đế chế vững chắc, dẫn đầu ngành sữa nội địa với thị phần áp đảo.

Ra đời vào năm 1976, Vinamilk được thành lập trên nền tảng của 3 nhà máy sữa miền Nam trước đây. Trải qua những năm tháng đầu tiên với vô vàn khó khăn trong việc cung cấp sữa cho thị trường nội địa, Vinamilk dần khẳng định vị thế khi liên tục mở rộng danh mục sản phẩm và cải tiến công nghệ sản xuất. Nếu như những năm 1990 đánh dấu bước chuyển mình của công ty với sự xuất hiện của sữa tiệt trùng và sữa bột dinh dưỡng thì giai đoạn 2010 – 2020 là thời điểm Vinamilk tăng tốc với việc mở rộng quy mô, đầu tư mạnh vào trang trại bò sữa và nhà máy sản xuất hiện đại.

Vinamilk (VNM): Hành trình ‘trẻ hóa’ ở tuổi 47 và chiến lược thích ứng trước ‘cuộc cách mạng’ mới
Các sự kiện mua bán sáp nhập của Vinamilk giai đoạn 2010-2020 (Ảnh: Tự tổng hợp)

Trước năm 2023, Vinamilk đã sở hữu 16 nhà máy, trong đó có nhiều cơ sở sản xuất đạt chuẩn quốc tế, cung cấp hàng loạt sản phẩm đa dạng từ sữa bột, sữa chua, sữa đặc đến sữa tươi. Công ty cũng vươn xa khỏi biên giới Việt Nam, xuất khẩu đến 57 quốc gia, ghi tên mình vào danh sách 40 thương hiệu sữa giá trị nhất toàn cầu theo Brand Finance.

Về kết quả kinh doanh, Vinamilk duy trì mức doanh thu trên 30.000 tỷ đồng/năm trong giai đoạn từ 2013-2022, giữ vững vị thế dẫn đầu thị trường sữa nội địa với thị phần hơn 44% trong năm 2022.

Vinamilk (VNM): Hành trình ‘trẻ hóa’ ở tuổi 47 và chiến lược thích ứng trước ‘cuộc cách mạng’ mới
Nguồn: VNDirect

Đến năm 2023, Vinamilk đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong chiến lược phát triển của công ty khi thực hiện tái định vị thương hiệu, mang lại sự trẻ trung, hiện đại để bắt kịp xu thế tiêu dùng mới, đa dạng sản phẩm dinh dưỡng với chất lượng chuẩn quốc tế.

Tái định vị thương hiệu ở tuổi 47: Khoác lên diện mạo mới

Bước sang năm 2023, Vinamilk quyết định làm mới hình ảnh của mình để phù hợp hơn với xu hướng tiêu dùng hiện đại. Không còn là một thương hiệu sữa truyền thống chỉ gắn liền với trẻ em và gia đình, Vinamilk đã chuyển mình mạnh mẽ để trở thành một thương hiệu trẻ trung, năng động và gần gũi hơn với thế hệ tiêu dùng mới.

Điểm nhấn đầu tiên trong chiến dịch tái định vị là sự thay đổi về nhận diện thương hiệu. Vinamilk ra mắt logo mới với thiết kế hiện đại, mang đến sự tối giản nhưng vẫn thể hiện được tinh thần phát triển bền vững. Đồng thời, công ty cũng đẩy mạnh các chiến dịch truyền thông, hợp tác với nhiều người nổi tiếng và influencer trong lĩnh vực sức khỏe, thể thao để kết nối với nhóm khách hàng trẻ.

Vinamilk (VNM): Hành trình ‘trẻ hóa’ ở tuổi 47 và chiến lược thích ứng trước ‘cuộc cách mạng’ mới
Vinamilk thay đổi bộ nhận diện thương hiệu (Ảnh: Báo Chính phủ)

Không dừng lại ở hình ảnh, Vinamilk còn đầu tư mạnh vào danh mục sản phẩm. Các dòng sữa tươi cao cấp như Green Farm, 100% Organic, A2 Protein được tung ra thị trường, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về sữa tươi nguyên chất. Bên cạnh đó, công ty cũng tăng cường chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh, từ việc ứng dụng AI để tối ưu chuỗi cung ứng đến triển khai các nền tảng bán hàng trực tuyến nhằm tiếp cận khách hàng một cách hiệu quả hơn.

Những động thái này không chỉ giúp Vinamilk củng cố vị thế trong ngành sữa mà còn khẳng định sự nhạy bén trong việc thích nghi với xu hướng tiêu dùng mới. Một trong những thay đổi quan trọng nhất chính là chiến lược tập trung vào sữa tươi – một cuộc chuyển mình mang tính chiến lược của doanh nghiệp.

Đầu tư để đón đầu xu hướng tiêu dùng mới

Vinamilk (VNM): Hành trình ‘trẻ hóa’ ở tuổi 47 và chiến lược thích ứng trước ‘cuộc cách mạng’ mới
Cung cầu sữa tươi từ bò ở các quốc gia (triệu tấn)

Hiện nay, người tiêu dùng có xu hướng sử dụng các sản phẩm từ sữa bò tươi và cao cấp hóa khi người dân ngày càng khắt khe với nguồn gốc nguyên liệu sản xuất và chất lượng sản phẩm. Đặc biệt là nhu cầu sử dụng sản phẩm ngày càng mang tính cá nhân hóa theo từng nhóm độ tuổi, giới tính, sở thích. Các nhà sản xuất sữa vì thế cũng chuyển dịch sang sản xuất nhiều loại sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường.

Với Vinamilk, ngay từ đầu, doanh nghiệp đã tiên phong trong việc đầu tư vào hệ thống trang trại bò sữa, sản xuất sữa tươi nguyên chất 100% và hiện vẫn đang tiếp tục đầu tư cho việc phát triển các trang trại và nghiên cứu, phát triển đa dạng hóa các sản phẩm dinh dưỡng từ sữa.

Từ năm 2007, Vinamilk bắt đầu xây dựng các trang trại là để chủ động được nguyên liệu trong nước, giảm dần phụ thuộc vào nhập khẩu và đảm bảo được việc quản lý chất lượng sữa tươi nguyên liệu theo tiêu chuẩn cao. Theo báo cáo mới đây, với đàn bò sữa ở 14 trang trại và hợp tác cùng hộ nông dân, doanh nghiệp này đang có hơn 1 triệu lít sữa tươi nguyên liệu/ngày.Nguồn sữa nguyên liệu trong nước giúp cho doanh nghiệp ngày càng chủ động hơn về việc nghiên cứu phát triển, sản xuất các sản phẩm từ sữa tươi ngày càng có nhiều cải tiến.

Tháng 7/2018, Vinamilk công bố nắm giữ 51% cổ phần của liên doanh Lao-Jagro, trên cơ sở tận dụng được lợi thế của 3 đối tác từ Nhật Bản, Việt Nam và Lào trong liên doanh. Trang trại số 1 quy mô 8.000 con đã đi vào hoạt động trong năm 2022. Giai đoạn 2 sẽ được đầu tư để nâng quy mô đàn bò dự kiến lên đến 100.000 con, trên diện tích từ 15.000ha đến 20.000ha. Tổng mức đầu tư cho cả 2 giai đoạn dự kiến là 500 triệu USD.

Trong 05 năm gần đây, Vinamilk đầu tư cho hệ thống trang trại sinh thái Green Farm với 3 trang trại tại Tây Ninh, Quảng Ngãi và Thanh Hóa với quy mô 20.000 bò sữa. Trong những năm gần đây, việc này ngày càng rõ rệt hơn như việc Vinamilk ra mắt các sản phẩm sữa tươi Green Farm Organic, sữa tươi hút chân không Green Farm…, đã mở ra những xu hướng mới cho thị trường sữa tươi trong nước.

Bên cạnh đó, Vinamilk cùng Mộc Châu Milk triển khai dự án Tổ hợp Thiên đường sữa Mộc Châu với tổng vốn đầu tư lên đến 3.150 tỷ đồng, bao gồm: Trang trại bò sữa công nghệ cao quy mô 4.000 con kết hợp du lịch sinh thái và nhà máy chế biến sữa công nghệ cao Mộc Châu.

Ngoài ra, Vinamilk còn đầu tư mạnh vào công nghệ sản xuất, mở rộng các nhà máy Mega Factory chuyên biệt cho sữa tươi, giúp tối ưu hóa chi phí và nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, công ty cũng thúc đẩy xuất khẩu sữa tươi sang các thị trường tiềm năng như Trung Quốc, Đông Nam Á, mở ra cơ hội tăng trưởng mới.

Thành tựu sau bước chuyển mình

Nhờ chiến lược đúng đắn, Vinamilk đã gặt hái nhiều kết quả tích cực trong năm 2024. Doanh thu của công ty cán mốc kỷ lục 61.824 tỷ đồng, tăng trưởng gần 3% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận 9.453 tỷ đồng, vượt nhẹ kế hoạch năm.

Đáng chú ý, doanh thu thuần nước ngoài đạt 10.983 tỷ đồng, tăng 12,6%. Động lực tăng trưởng không chỉ đến từ các thị trường truyền thống mà còn từ các thị trường cao cấp như Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản, Canada, Mỹ. Một số thị trường ghi nhận doanh thu tăng trưởng từ 2 đến 3 chữ số so với cùng kỳ.

Năm 2024, Vinamilk tiếp tục là thương hiệu sữa được chọn mua nhiều nhất Việt Nam theo Kantar Worldpanel năm thứ 12 liên tiếp và 16 năm liền được vinh danh Thương Hiệu Quốc Gia. Thương hiệu vẫn giữ vững vị trí trong Top 10 thương hiệu sữa có giá trị nhất toàn cầu theo Brand Finance.

Còn theo một khảo sát mới nhất của Ipsos (công ty nghiên cứu thị trường lớn thứ 3 thế giới, trụ sở chính tại Pháp) tại Việt Nam, 73% người tiêu dùng đánh giá đơn vị là thương hiệu đổi mới sáng tạo (tăng 26% so với 2022), trong khi 58% cảm nhận thương hiệu mang tính cao cấp (tăng 10% so với 2022).

Cả 2 chỉ số này đều tăng đáng kể sau khi tái định vị và cho thấy các định hướng chiến lược của doanh nghiệp đang đi đúng hướng và phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó, các chiến lược chuyển đổi toàn diện, quyết liệt trong năm qua cũng đang tạo nền tảng quan trọng cho doanh nghiệp trong việc tạo ra quỹ đạo tăng trưởng mới trong những năm tiếp theo.

Với những tiềm năng phát triển và xu thế hiện nay, chuyên gia Viecombank Securities (VCBS) dự báo kết quả kinh doanh thuận lợi năm 2025 cho Vinamilk, trong đó, doanh thu thuần dự kiến tăng 3,4% lên 63.847 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ước tăng 2,8% lên 9.718 tỷ đồng.

Vinamilk (VNM): Hành trình ‘trẻ hóa’ ở tuổi 47 và chiến lược thích ứng trước ‘cuộc cách mạng’ mới
Nguồn: ACBS

Trong khi đó, chuyên gia Chứng khoán ACBS đưa ra dự báo xa hơn cho năm 2026 và 2027, với mức doanh thu tăng trưởng mỗi năm 3-4%. Ước tính đến năm 2027, doanh thu Vinamilk vượt 68.400 tỷ đồng. Tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận các năm 2026, 2027 cũng từ 3-4%. Ước tính đến năm 2027 lãi sau thuế của Vinamilk vượt 12.800 tỷ đồng.