Tính đến cuối tháng 9, tổng số tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước đã vượt mức 7,76 triệu tài khoản. Mức tăng trên 100.000 tài khoản/tháng giúp cải thiện thanh khoản thị trường và đẩy mạnh nhu cầu sử dụng đòn bẩy margin.

Dữ liệu từ Vietstock Finance cho thấy, tính tới cuối quý 3/2023, 71 công ty chứng khoán trên thị trường có dư nợ margin đạt 166.993 tỷ đồng - tăng 11% so với cuối quý 2 và tăng 36% so với đầu năm. Các gương mặt Top đầu về dư nợ margin trên thị trường là Mirae Asset Việt Nam (hơn 15.300 tỷ), SSI (15.200 tỷ) và TCBS (12.800 tỷ).

VN-Index

Tính đến đầu tháng 9 khi VN-Index tiệm cận mốc 1.250 điểm, việc thị tường hồi phục mạnh từ tháng 5 đến tháng 8 giúp phần lớn công ty chứng khoán thuộc Top 10 thị phần môi giới đều chứng kiến các khoản lãi cho vay và phải thu tăng mạnh trong quý 3 vừa qua.

Lãi suất cho vay giảm là một trong những yếu tố thúc đẩy nhu cầu sử dụng đòn bẩy tài chính của nhà đầu tư chứng khoán. Mặt khác, diễn biến đi xuống của lãi suất sau các đợt điều chỉnh lãi suất của Ngân hàng Nhà nước cũng giúp các công ty chứng khoán được hưởng lợi.

Cùng với mảng tự doanh, các khoản lãi thu về cho vay và phải thu tiếp tục đóng vai trò là 1 trong 3 mũi doanh thu chủ lực giúp SSI, TCBS, VIX, VCI, ACBS,... báo lãi quý 3 tăng bằng lần.

VNDirect đánh giá, tổng dư nợ cho vay ký quỹ toàn thị trường có thể đạt 155.000 - 180.000 tỷ đồng trong nửa cuối năm 2023, tăng 10 - 30% so với mức 140.000 tỷ ghi nhận hồi cuối quý 2.

Câu chuyện là...

Thị trường chứng khoán đã có nhịp giảm mạnh kể từ đầu tháng 9 tới cuối tháng 10 sau khi hình thành mô hình 2 đấy (2 lần chinh phục bất thành kháng cự 1.250 điểm).

VN-Index
Diễn biến chỉ số VN-Index

Tính đến phiên 31/10, chỉ số đại diện thị trường đã giảm gần 220 điểm - tương đương 17,4% so với giá đóng cửa phiên 12/9. Mức giảm mạnh và "thần tốc" xóa đi mọi thành quả tăng giá trong gần nửa năm trước đó.

Thanh khoản thị trường giảm mạnh, cả trăm cổ phiếu mất từ 20 - 45% giá trị ảnh hưởng không nhỏ đến việc tối ưu lợi nhuận hoạt động tự doanh của nhà đầu tư. Dù vậy, thực tế trong quý 3, danh mục tự doanh cổ phiếu ở hầu hết các công ty chứng khoán đều hoặc giảm nhẹ hoặc không đáng kể trong cơ cấu tài sản FVPTL.

Trong khi đó, chứng sĩ là những người chịu thiệt hại nặng nền nhất khi danh mục từ xanh chuyển đỏ. Nỗi buồn thậm chí nhân đôi đối với những nhà đầu tư đua sóng vùng giá đỉnh và nhân ba đối với chứng sĩ dùng đòn bẩy margin tại vùng VN-Index 1.200 - 1.250.

Cần nhấn mạnh, việc VN-Index liên tục xuyên phá các ngưỡng điểm hỗ trợ bằng những phiên giảm 20, 30 thậm chí 50 điểm là hệ quả từ câu chuyện Ngân hàng Nhà nước hút tiền về, các diễn biến vĩ mô khó lường trên thế giới và cả câu chuyện bán giải chấp cổ phiếu của doanh nghiệp, lãnh đạo công ty cũng như chứng sĩ tham chiến trên thị trường.

Theo đánh giá từ FiinTrade, tỷ lệ đòn bẩy trên thị trường chứng khoán chạm mức 7,9%, vượt xa mức trung bình giai đoạn trước đây (6,5%) trong khi Tỷ lệ dư nợ margin/Giá trị giao dịch bình quân thấp hơn đáng kể so với trung bình 5 quý gần nhất. Điều này cho thấy mức độ rủi ro liên quan đến margin tăng lên.

Tuy nhiên, khi phần lớn cổ phiếu có giá vượt đỉnh 6 - 9 tháng trên một nền tảng cơ bản không thực sự vững (tốc độ hồi phục của doanh nghiệp chậm hơn kỳ vọng) và triển vọng vĩ mô chưa thực sự sáng trong ngắn hạn, thì dư nợ margin tiệm cận vùng đỉnh với tỷ lệ đòn bẩy ở ngưỡng cao đang làm tăng thêm áp lực điều chỉnh của thị trường.