Ngày 3/4, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) đã tổ chức tham vấn công khai với các bên liên quan trong khuôn khổ vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với thép cuộn cán nóng (HRC) có xuất xứ từ Trung Quốc và Ấn Độ.

Tại buổi tham vấn, các bên liên quan đã trình bày quan điểm về phạm vi sản phẩm nằm trong diện điều tra. Các ý kiến hiện phân hóa thành 2 nhóm chính.

Nhóm ý kiến đề nghị loại trừ một số nhóm sản phẩm thép HRC đặc thù, bao gồm thép cường độ cao dùng cho sản xuất linh kiện ô tô (SPHC, SAPH440 PO, 510L, 610L, 700L); phục vụ sản xuất sơ mi rơ moóc, thiết bị đặc chủng (AG700, Q345D/Q355D, Q345E/Q355E, S355K2/NL/ML, LG700T, BS700MCK2, BW450, NM450). Thép có yêu cầu kỹ thuật chuyên biệt (chống ăn mòn, chịu mặn, chịu lạnh sâu, cường độ kéo cao, chịu lực tốt) phục vụ cho các ngành sản xuất như đóng tàu, ô tô, sơ mi rơ moóc, khai thác dầu mỏ, kết cấu siêu trường siêu trọng... cũng được đề xuất loạt bỏ.

Ở chiều ngược lại, Cục Phòng vệ thương mại tiếp nhận cả ý kiến xem xét mở rộng hoặc không mở rộng phạm vi điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với thép HRC khổ rộng trên 1.880mm.

Vụ áp thuế chống bán phá giá thép HRC Trung Quốc do Hòa Phát và Formosa khởi xướng vào chặng cuối
Ảnh minh họa

Cục Phòng vệ thương mại cho biết đang tiếp tục tiếp nhận ý kiến phản hồi nhằm đảm bảo quá trình điều tra diễn ra công bằng, minh bạch và khách quan. Các bên liên quan được đề nghị làm rõ: (1) Quan điểm về việc loại trừ một số sản phẩm khỏi phạm vi áp thuế; (2) Các căn cứ kỹ thuật và khả năng thay thế sản phẩm trong nước; (3) Nhu cầu sử dụng thực tế và kế hoạch sản xuất kinh doanh; (4) Đề xuất cụ thể về việc mở rộng hoặc thu hẹp phạm vi điều tra. Thời hạn cuối cùng để gửi ý kiến là ngày 25/4/2025.

Theo trình tự, sau khi lấy ý kiến từ các bên, Bộ Công Thương sẽ ban hành kết luận điều tra cuối cùng.

Trước đó, ngày 21/2, Bộ Công Thương quyết định áp thuế chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm thép HRC nhập từ Trung Quốc và Ấn Độ trong 120 ngày, bắt đầu từ ngày 8/3. Theo nội dung, Ấn Độ có hành vi bán phá giá nhưng do tỷ lệ nhập khẩu không đáng kể (dưới 3%), nên được loại khỏi phạm vi áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời. Tuy nhiên, thép HRC Trung Quốc bị áp thuế 19,38% - 27,83%.

Không có một quốc gia nào là không bảo vệ nền sản xuất nội địa

Một năm kể từ khi Tập đoàn Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh chính thức khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với thép HRC nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ, vụ việc hiện đang bước vào giai đoạn cuối với nhiều diễn biến được đánh giá là thuận lợi cho nhóm doanh nghiệp nội địa.

Lý do khởi xướng bắt nguồn từ tình trạng thép HRC Trung Quốc và Ấn Độ tràn vào thị trường Việt Nam với giá thấp, khiến sản phẩm nội địa gặp khó trong tiêu thụ và mất thị phần.

Vụ áp thuế chống bán phá giá thép HRC Trung Quốc do Hòa Phát và Formosa khởi xướng vào chặng cuối
Hòa Phát dành 80% sản lượng thép cho nội địa

Liên quan đến vấn đề này, tại ĐHĐCĐ thường niên 2025, Chủ tịch Hòa Phát - ông Trần Đình Long khẳng định: “Không có một quốc gia nào là không bảo vệ nền sản xuất nội địa”. Theo ông, Hòa Phát đặt mục tiêu dành 80% sản lượng thép HRC cho tiêu thụ trong nước, chỉ khoảng 20% cho xuất khẩu. Tuy nhiên, trong năm 2024, tỷ lệ xuất khẩu đã phải tăng lên 31% do thị trường nội địa gặp khó khăn.

Chiến lược lấy thị trường Việt Nam làm trọng tâm được ông Trần Đình Long đánh giá là nước đi đúng đắn, khi nhìn lại vụ việc Mỹ đề xuất áp thuế mới xảy ra. Hiện tại, Mỹ chỉ chiếm 1% doanh thu của Hòa Phát, nên không ảnh hưởng. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp đang phụ thuộc 40% doanh thu vào thị trường này.