Một bước tiến vượt bậc trong khảo cổ học đã được ghi nhận khi trí tuệ nhân tạo giúp con người lần đầu chạm đến lớp sâu nhất của bí ẩn nằm trên vùng đất khô cằn miền nam Peru. Đó là nơi tồn tại những hình vẽ khổng lồ trải dài trên sa mạc, thuộc nền văn minh Nazca – một trong những bí ẩn lâu đời nhất của nhân loại.
Các hình vẽ Nazca xuất hiện cách đây khoảng 2.000 năm, được khắc lên mặt đất bằng cách loại bỏ lớp đá sẫm màu để lộ ra lớp cát trắng sáng bên dưới. Chúng mô tả đủ loại sinh vật như cá voi sát thủ, mèo rừng, lạc đà không bướu, hình người, cùng nhiều biểu tượng trừu tượng chưa từng được giải mã. Mặc dù đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới, suốt hàng chục năm qua, mục đích thực sự của những hình vẽ này vẫn là câu hỏi chưa có lời đáp.
![]() |
Các hình vẽ Nazca xuất hiện cách đây khoảng 2.000 năm, được khắc lên mặt đất bằng cách loại bỏ lớp đá sẫm màu để lộ ra lớp cát trắng sáng bên dưới |
Trong dự án hợp tác giữa Đại học Yamagata của Nhật Bản và IBM, nhóm nghiên cứu do giáo sư Masato Sakai dẫn đầu đã huấn luyện mô hình AI bằng các hình ảnh mẫu của những hình vẽ đã được phát hiện trước đó. Sau đó, họ cho hệ thống quét hơn 190 dặm vuông ảnh chụp độ phân giải cao để truy tìm những chi tiết bị bỏ sót mà con người khó nhận thấy bằng mắt thường. AI đã lần lượt chia nhỏ từng khu vực, sau đó phân tích sâu từng ô địa hình với độ chính xác cao.
Kết quả là 303 hình vẽ mới đã được phát hiện, nâng tổng số hình vẽ Nazca được xác thực lên 430. Phần lớn các hình vẽ mới này đều thuộc dạng khắc chìm, thể hiện các chủ đề có vẻ mang tính nghi lễ như hình người với các tư thế lạ, các loài vật thuần hóa và thậm chí cả cảnh tượng con người tương tác với động vật. Đặc biệt, nhiều hình vẽ xuất hiện gần các tuyến đường hành hương cổ xưa, gợi ý rằng đây có thể từng là nơi tổ chức nghi lễ, truyền dạy hoặc tưởng nhớ những câu chuyện thiêng liêng.
Gần những hình vẽ này, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện nhiều mảnh gốm, củng cố giả thuyết rằng người Nazca từng dừng lại nơi đây để thực hành nghi thức hoặc dạy học. Trong bối cảnh chưa có chữ viết, những hình vẽ khổng lồ này có thể đóng vai trò như sách giáo khoa – một phương tiện thị giác giúp truyền đạt tri thức, truyền thuyết và niềm tin.
Không chỉ là bước đột phá về công nghệ, phương pháp nghiên cứu còn thể hiện sức mạnh của kỹ thuật học chuyển tiếp trong AI. Mô hình được huấn luyện từ ảnh thường, sau đó tinh chỉnh bằng ảnh sa mạc thực tế để đạt hiệu quả nhận diện tối đa. Mỗi hình vẽ đều được phân tích theo từng phần nhỏ, từ đó giúp hệ thống ghi nhớ chính xác cấu trúc, hình dạng, thậm chí là các dấu tích bị thời gian làm mờ.
Việc phát hiện thêm hàng trăm hình vẽ mới không chỉ làm giàu thêm kho dữ liệu khảo cổ về văn hóa Nazca mà còn giúp vạch ra bản đồ nghi lễ đầu tiên trong lịch sử nền văn minh này. Những gì AI làm được đang mở ra cơ hội bảo tồn di sản tốt hơn trong bối cảnh nguy cơ xâm lấn từ các dự án khai thác và du lịch ngày càng lớn.