Theo đó, dựa trên kết quả, sản phẩm công việc theo vị trí đảm nhiệm, mức độ đáp ứng yêu cầu và đạo đức công vụ, công chức sẽ được xếp loại theo bốn mức: hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; hoàn thành tốt nhiệm vụ; hoàn thành nhiệm vụ và không hoàn thành nhiệm vụ.
Kết quả đánh giá sẽ được lưu vào hồ sơ, thông báo cho cá nhân và công khai trong đơn vị công tác. Trong trường hợp công chức xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ, cơ quan quản lý có thể xem xét điều chuyển công chức sang vị trí có yêu cầu thấp hơn hoặc cho thôi việc. Công chức buộc thôi việc nếu không hoàn thành nhiệm vụ trong hai năm liên tiếp.
![]() |
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet |
So với bản dự thảo hồi tháng 4, đề xuất mới đã không còn quy định theo dõi trong 6 tháng đối với công chức không hoàn thành nhiệm vụ, thay vào đó sẽ xem xét xử lý ngay.
Thay mặt cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Cán bộ, công chức. Các quy định của dự thảo Luật đã bám sát chủ trương của Đảng về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; thực hiện liên thông trong công tác cán bộ, thống nhất một chế độ công vụ từ Trung ương đến cấp xã; đồng thời khắc phục bất cập, hạn chế, vướng mắc trong triển khai thi hành Luật thời gian qua.
Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cơ bản tán thành quy định của dự thảo Luật về đánh giá công chức theo hướng nhấn mạnh việc đánh giá theo kết quả, sản phẩm cụ thể theo từng vị trí việc làm; kết quả đánh giá là cơ sở để thực hiện chế độ, chính sách và để sàng lọc, bố trí vào vị trí việc làm phù hợp hoặc cho thôi việc đối với những công chức không đạt yêu cầu của vị trí việc làm.
Có ý kiến đề nghị Chính phủ trong quá trình tổ chức thực hiện cần xây dựng tiêu chí đánh giá rõ ràng, minh bạch, định lượng được, bảo đảm khách quan, công bằng, minh bạch.