Báo cáo từ UNCTAD đã chỉ ra hoạt động thương mại toàn cầu vẫn duy trì đà tăng trưởng khả quan trong nửa đầu năm nay, bất chấp sự bất ổn về chính sách thương mại, căng thẳng địa chính trị và môi trường kinh tế toàn cầu đầy thách thức.
Tuy nhiên, nhìn về 6 tháng cuối năm, UNCTAD cảnh báo rằng căng thẳng thương mại toàn cầu sẽ phải đối mặt với những áp lực ngày càng gia tăng trong nửa cuối năm, nhất là trong bối cảnh bất ổn chính sách thuế quan kéo dài, căng thẳng định chính trị tiềm ẩn nguy cơ lan rộng và rủi ro tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại ở nhiều khu vực.
Các nền kinh tế phát triển giành vị trí dẫn đầu trong tăng trưởng thương mại
Theo báo cáo của UNCTAD, trong quý I năm nay, hoạt động thương mại toàn cầu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khả quan vốn kéo dài kể từ cuối năm 2023. Cụ thể, thương mại toàn cầu đạt mức tăng trưởng 1,5% trong quý I và dự kiến tăng lên 2% trong quý II năm nay.
![]() |
Dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu - Nguồn: UNCTAD |
Tính chung trong quý I, dù khối lượng hàng hóa chỉ tăng 1% so với cùng kỳ năm trước nhưng giá cả hàng hóa tăng đã đẩy giá trị thương mại toàn cầu tăng lên. Theo dự báo, xu hướng tăng giá hàng hóa sẽ tiếp tục kéo dài sang quý II.
Về cơ cấu, trong những quý gần đây, cả thương mại hàng hóa và dịch vụ đều cho thấy sự tăng trưởng ổn định, chủ yếu nhờ vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của các nước đang phát triển.
Tuy nhiên, trong quý I, xu hướng này đã đảo ngược trong bối cảnh bất ổn về thuế quan gia tăng. Cụ thể, báo cáo từ UNCTAD chỉ ra các nền kinh tế phát triển đã chính thức vượt qua các nền kinh tế đang phát triển về tăng trưởng thương mại - chủ yếu là do lượng nhập khẩu của Mỹ tăng vọt trước khi thuế quan có hiệu lực (tăng 14%) và hoạt động xuất khẩu mạnh mẽ từ Liên minh Châu Âu (EU) (tăng 6%).
Ở chiều ngược lại, thương mại trong nhóm các quốc gia đang phát triển lại tăng trưởng trì trệ hơn với mức giảm 2% trong nhập khẩu, mặc dù Châu Phi ghi nhận mức tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ - xuất khẩu tăng 5% và thương mại nội khối tăng 16% so với cùng kỳ năm trước.
![]() |
Tăng trưởng thương mại tại các nước phát triển vượt trội hơn so với các nước đang phát triển trong Quý 1 - Nguồn: UNCTAD |
Dự báo cho quý II năm nay cho thấy sự tăng trưởng liên tục trong cả thương mại hàng hóa và dịch vụ. Theo số liệu công bố gần đây, xuất khẩu của Trung Quốc vẫn ổn định trong tháng 4 và tháng 5, nhờ vào sự gia tăng thương mại nội khối và thương mại với Châu Phi. Xuất khẩu của Mỹ cũng tăng trong tháng 4.
Tuy nhiên, lượng hàng nhập khẩu vào Mỹ đã giảm mạnh so với quý trước, phản ánh tác động của các mức thuế quan mới áp đặt và khối lượng nhập khẩu cao bất thường trong Quý 1, khi các doanh nghiệp đổ xô nhập hàng trước khi thuế quan tăng.
Thuế quan phủ bóng lên hoạt động thương mại quốc tế
Nhìn về 6 tháng cuối năm, báo cáo chỉ ra khả năng phục hồi của thương mại toàn cầu sẽ phụ thuộc rất nhiều vào chính sách thuế quan, diễn biến địa chính trị và khả năng thích ứng của chuỗi cung ứng.
Trong kịch bản kém lạc quan hơn, UNCTAD cảnh báo rằng căng thẳng thương mại toàn cầu sẽ phải đối mặt với những áp lực ngày càng gia tăng trong nửa cuối năm, nhất là trong bối cảnh bất ổn chính sách thuế quan kéo dài, căng thẳng định chính trị tiềm ẩn nguy cơ lan rộng và rủi ro tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại ở nhiều khu vực.
Theo đó, báo cáo đã chỉ rõ các yếu tố quan trọng nhất góp phần làm gia tăng bất ổn thương mại toàn cầu trong nửa cuối năm 2025:
Thứ nhất, bất ổn chính sách thương mại kéo dài tại Mỹ.
Theo báo cáo, mặc dù hiện vẫn đang trong thời gian Mỹ tạm ngừng áp thuế, tuy nhiên, UNCTAD cảnh báo chính sách thuế quan vẫn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro về khả năng tạm dừng, miễn trừ, áp thuế quan mới trên diện rộng nhắm vào các quốc gia cụ thể và các mức thuế bổ sung dành riêng cho sản phẩm cụ thể - chẳng hạn như các mức thuế ảnh hưởng đến ngành ô tô. Sự bất định về chính sách thương mại sẽ ảnh hưởng lớn đến tính ổn định của hoạt động thương mại quốc tế.
Trong diễn biến mới nhất, Tổng thống Donald Trump cho biết sẽ áp thuế 50% đối với đồng nhập khẩu vào ngày 1/8 tới đây và cảnh báo áp thuế 200% đối với dược phẩm.
![]() |
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet |
Thứ hai, rủi ro liên quan đến hành động trả đũa thuế quan.
Mặc dù các biện pháp chính sách thương mại trả đũa cho đến nay vẫn còn hạn chế, nhưng việc gia tăng các biện pháp thương mại đơn phương có thể dẫn đến các hành động trả đũa, dẫn đến căng thẳng thương mại leo thang. Đồng thời, làm gia tăng nguy cơ lan sang các quốc gia thứ ba không trực tiếp tham gia vào tranh chấp thương mại.
Thứ ba, tăng cường trợ cấp trong nước và các chính sách hạn chế thương mại nhằm hỗ trợ các ngành công nghiệp nội địa.
Theo dự báo của UNCTAD, các chiến lược tập trung vào phát triển công nghiệp tại thị trường nội địa có thể được tăng cường đến năm 2025.
Theo đó, với việc tăng cường sử dụng trợ cấp trong nước và các chính sách hạn chế thương mại nhằm hỗ trợ các ngành công nghiệp quốc gia, điều này có thể sẽ gây áp lực rất lớn lên hoạt động thương mại quốc tế, đặc biệt là trong các lĩnh vực chiến lược và công nghệ cao.
Thứ tư, hiệu ứng lan tỏa dọc theo chuỗi giá trị toàn cầu.
UNCTAD cảnh báo sự bất ổn về chính sách thương mại nhắm vào các phân khúc cụ thể của chuỗi giá trị toàn cầu không chỉ ảnh hưởng đến các quốc gia và lĩnh vực cụ thể, mà còn ảnh hưởng đến các phân khúc liên kết trong toàn bộ chuỗi giá trị.
Với các hệ thống sản xuất tích hợp sâu rộng hiện nay, sự đứt gãy về chuỗi giá trị có thể phá vỡ toàn bộ mạng lưới cung ứng và dẫn đến những thay đổi đáng kể trong chuỗi cung ứng toàn cầu.