Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi tiếp đón Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Siemens (Cộng hòa Liên bang Đức) ông Roland Busch. Theo đó, tại buổi tiếp đón, Chủ tịch Tập đoàn Siemens Roland Busch đánh giá cao tiềm năng hợp tác lớn giữa hai nước Việt Nam, Đức nói chung và với Siemens nói riêng.

Vị lãnh đạo Tập đoàn Siemens cho biết, Việt Nam đã có quá trình chuyển đổi rất thành công, có tiềm năng phát triển rất lớn, nhất là với dân số 100 triệu người và đội ngũ lao động trẻ được đào tạo.

"Đây là nền tảng quan trọng để thúc đẩy hợp tác giữa hai nước Việt Nam, Đức", ông Roland Busch nhấn mạnh.

Đồng thời, ông cũng đánh giá cao các mục tiêu của Việt Nam trong chuyển đổi xanh, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển các ngành công nghệ cao, đặc biệt là bán dẫn, phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, đặc biệt là đường sắt.

Về phía Thủ tướng Chính phủ, ông đánh giá cao, chúc mừng kết quả hoạt động kinh doanh của Siemens trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng, đặc biệt là các dự án trong các lĩnh vực điện - khí, cơ khí chế tạo, phát triển hạ tầng năng lượng và tự động hóa công nghiệp, phát triển đường sắt.

Tập đoàn lớn của Đức hứng thú với dự án đường sắt tốc độ cao của Việt Nam
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi tiếp đón Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Siemens (Cộng hòa Liên bang Đức) ông Roland Busch. Ảnh: VGP

Để góp phần tiếp tục triển khai các thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước, Thủ tướng đề nghị Siemens đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực công nghệ cao, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; hợp tác chuyển đổi xanh, phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, nhất là sản xuất turbine điện gió; hợp tác trong lĩnh vực giao thông vận tải (như sản xuất xe điện…); hợp tác chuyển đổi số, xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển của Siemens tại Việt Nam, hợp tác với Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia…; mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ của Việt Nam.

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Siemens nghiên cứu tham gia một số gói thầu xây dựng các tuyến đường sắt đô thị tại Việt Nam như dự án tuyến Metro 2 tại TP. HCM; chuyển giao công nghệ, phát triển công nghiệp đường sắt (như đào hầm metro).

Thủ tướng cũng đề nghị Siemens chuyển giao công nghệ một cách sâu rộng nhất có thể, đẩy mạnh hợp tác đào tạo nhân lực, hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị, xây dựng thể chế hiện đại trong các lĩnh vực trên.

Chủ tịch Tập đoàn Siemens cho biết, Siemens đang tích cực hợp tác và mong muốn tiếp tục mở rộng hợp tác, đầu tư, kinh doanh trong các lĩnh vực và nội dung mà Thủ tướng đã đề cập như công nghệ cao, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, xây dựng hệ thống giao thông hiện đại, tốc độ cao…, bao gồm hợp tác đào tạo nhân lực, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam vươn ra toàn cầu.

Đáng chú ý, ông cho biết Siemens quan tâm đến dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam và có thể cung cấp các giải pháp về đầu máy, toa xe, hệ thống tín hiệu đường sắt, cũng như chuyển giao công nghệ sản xuất toa xe.

Kịch bản dự thảo đề xuất 3 phương án xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có tổng mức đầu tư từ 68,9 tỷ USD đến trên 70 tỷ USD.

Siemens là tập đoàn lớn của Đức, có nhiều kinh nghiệm và giải pháp tiên tiến trong lĩnh vực công nghiệp, chăm sóc sức khỏe, giao thông và phát triển cơ sở hạ tầng thông minh. Tập đoàn có 320.000 nhân viên và doanh thu toàn cầu là 78 tỷ euro vào năm 2023. Tại Việt Nam, Siemens thành lập văn phòng đại diện từ năm 1993, với 3 chi nhánh Văn phòng đại diện tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP. HCM và một nhà máy sản xuất tại Bình Dương.

Siemens hợp tác với Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là năng lượng tái tạo và giao thông vận tải. Về hợp tác giao thông vận tải, Siemens đã có các dự án hợp tác với Việt Nam như dự án nâng cấp hiện đại hóa hệ thống thông tin tín hiệu đường sắt Ga Vinh, dự án thiết kế và cung cấp 16 đầu máy xe lửa động cơ diesel cho Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam; dự án hệ thống chiếu sáng đường Sân bay Nội Bài; dự án cung cấp hệ thống xử lý hàng hóa tự động Sân bay Tân Sơn Nhất, dự án Tuyến đường sắt đô thị (Metro) TP. HCM. Trong lĩnh vực năng lượng, Bộ Công Thương và Siemens đã ký MOU về phát triển hạ tầng trong các lĩnh vực điện khí, năng lượng tái tạo.

Kết luận số 49-KL/TW về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định: "Vận tải đường sắt đóng vai trò chủ đạo trên hành lang kinh tế Bắc - Nam" và đặt mục tiêu đến năm 2025 phần đấu hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam".

Theo quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt năm 2021, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam từ ga Ngọc Hồi đến ga Thủ Thiêm dài 1.545km, đường sắt đôi khổ 1.435 mm.

Chính phủ đặt mục tiêu năm 2025 sẽ hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam và khởi công năm 2030, ưu tiên đoạn Hà Nội - Vinh và TP. HCM - Nha Trang. Năm 2045, Việt Nam sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam.

Hiện Bộ Giao thông Vận tải đang xin ý kiến về ba kịch bản đường sắt Bắc Nam, trong đó có hai kịch bản tàu tốc độ 350 km/h chở khách riêng và dự phòng chở hàng. Tổng vốn đầu tư của mỗi kịch bản từ 67 tỷ USD đến trên 70 tỷ USD.