Giá than nhiệt tại cảng Newcastle (Úc) đã tăng trở lại mốc 100 USD/tấn trong tháng 5 sau khi chạm đáy 4 năm ở mức 93,7 USD/tấn vào cuối tháng 4, nhờ lo ngại gián đoạn nguồn cung do thời tiết xấu làm hạn chế hoạt động xuất khẩu của tập đoàn khai thác than Whitehaven. Dù vậy, tính từ đầu năm đến nay, giá hợp đồng tương lai vẫn giảm khoảng 20% do tỷ trọng năng lượng tái tạo tăng và nhu cầu sưởi ấm tại Trung Quốc sụt giảm vì mùa đông ấm hơn bình thường.

Giá than nhiệt châu Á phục hồi nhẹ nhưng triển vọng vẫn ảm đạm: Trung Quốc giảm nhập, cung nội địa áp đảo
Nguồn: tradingeconomics.com

Sản lượng điện từ nhiên liệu hóa thạch tại Trung Quốc – chủ yếu là than – đã giảm 4,7% trong quý I/2025 do sự gia tăng sản lượng từ thủy điện và năng lượng tái tạo. Kéo theo đó, lượng nhập khẩu than nhiệt của nước này trong 4 tháng đầu năm giảm 13,1% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ còn 91,56 triệu tấn.

Trong tháng 4, nhập khẩu than nhiệt của Trung Quốc đạt 22,72 triệu tấn, giảm nhẹ so với mức 23,84 triệu tấn trong tháng 3, theo số liệu từ công ty phân tích hàng hóa Kpler. Cùng lúc, Trung Quốc tăng sản lượng khai thác nội địa lên mức kỷ lục 440,58 triệu tấn chỉ riêng trong tháng 3, tăng 9,6% so với cùng kỳ và nâng tổng sản lượng quý I lên 1,2 tỷ tấn – tăng 8,1%. Hệ quả là giá than nhiệt nội địa tại cảng Qinhuangdao đã giảm xuống còn 660 nhân dân tệ (tương đương 90,78 USD)/tấn, mức thấp nhất trong 4 năm và giảm 25% so với tháng 10 năm ngoái. Điều này khiến giá than nhập khẩu buộc phải giảm sâu để duy trì tính cạnh tranh.

Than Indonesia cũng không tránh khỏi xu hướng suy giảm. Loại 4.200 kcal/kg – được cả Trung Quốc và Ấn Độ ưa chuộng – đã giảm còn 48,42 USD/tấn, thấp nhất trong 4 năm và giảm 7,5% so với tháng 10. Tuy nhiên, mức giảm nhẹ hơn so với than Úc có thể do hoạt động nhập khẩu của Ấn Độ cải thiện đôi chút.

Ấn Độ nhập khẩu 15,31 triệu tấn trong tháng 4, mức cao nhất kể từ tháng 5/2024, tăng so với 14,4 triệu tấn trong tháng 3. Tuy nhiên, tổng nhập khẩu 4 tháng đầu năm vẫn giảm 6,7% xuống 53,33 triệu tấn. Chính phủ Ấn Độ đã gia hạn chỉ thị yêu cầu các nhà máy điện chạy than nhập khẩu vận hành hết công suất đến hết ngày 30/6. Động thái này được cho là nhằm ứng phó với nhu cầu điện tăng cao và sản lượng yếu kém từ hãng khai thác quốc doanh Coal India – vốn chỉ đạt mức tăng trưởng 1% trong năm tài khóa vừa qua. Tuy nhiên, ngay cả khi Ấn Độ duy trì được lượng nhập khẩu cao, cũng khó có thể bù đắp cho sự suy giảm nhu cầu từ Trung Quốc – thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới.

Nhật Bản – quốc gia nhập khẩu than lớn thứ ba thế giới – cũng ghi nhận lượng nhập khẩu giảm 4,9% trong 4 tháng đầu năm, còn 34,71 triệu tấn.

Bức tranh chung của thị trường than nhiệt châu Á hiện tại là giá yếu theo xu hướng sụt giảm sản lượng nhập khẩu. Nếu Trung Quốc – với sản lượng nội địa vẫn ở mức cao và phát điện từ than suy yếu – chưa thay đổi chiến lược, thì xu hướng giảm giá sẽ còn tiếp diễn, bất chấp những tín hiệu phục hồi từ Ấn Độ hay Nhật Bản