Trong 4 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Quảng Ninh ước đạt 1,27 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước. Cùng kỳ, kim ngạch nhập khẩu đạt 1,414 tỷ USD, tăng 16,0%. Con số tăng trưởng ấn tượng này tiếp tục củng cố vị thế của Quảng Ninh là một trong những “thủ phủ” xuất nhập khẩu hàng đầu cả nước.

cả nước có 11 đơn vị hành chính cấp tỉnh giữ nguyên không thực hiện sắp xếp sáp nhập
Tỉnh duy nhất có đường biên giới cả trên bộ và trên biển với Trung Quốc có hơn 2.000 doanh nghiệp xuất khẩu, giao thương với 80 nước.

Với đường biên giới đất liền và vùng biển tiếp giáp Trung Quốc, Quảng Ninh sở hữu lợi thế hiếm có để phát triển kinh tế cửa khẩu. Các huyện Bình Liêu, Hải Hà và đặc biệt là thành phố Móng Cái – địa phương cực đông bắc của tỉnh đóng vai trò then chốt trong kết nối thương mại giữa Việt Năm và Trung Quốc. Trong giai đoạn 2020 – 2024, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh đạt hơn 16 tỷ USD, tăng trưởng trung bình 11,2%/năm, vượt xa mục tiêu đề ra.

Cơ cấu hàng hoá xuất khẩu của tỉnh ngày càng phong phú, với tỷ trọng lớn thuộc về các sản phẩm công nghệ và có giá trị gia tăng cao như thiết bị điện tử, xơ – sợi bông, may mặc, pin năng lượng mặt trời… Quảng Ninh hiện có khoảng 2.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, với mạng lưới thị trường trải rộng khắp gần 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng mạnh so với con số 54 cách đây chưa lâu.

Nổi bật trong bức tranh kinh tế đối ngoại của tỉnh là TP. Móng Cái – đô thị biên giới chiến lược nằm trên hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh. Với vị trí “giáp biển, giáp biên”, Móng Cái đóng vai trò trung chuyển hàng hóa quốc tế trọng yếu giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Thành phố hiện sở hữu 5 cửa khẩu và lối mở được phép hoạt động xuất nhập khẩu gồm: Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, Bắc Luân II, cầu phao Km3+4 Hải Yên, Ka Long và Pò Hèn. Trong đó, điểm thông quan Km3+4 là nơi diễn ra hoạt động xuất khẩu nông sản nhộn nhịp nhất, góp phần thúc đẩy chuỗi cung ứng nông sản từ Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.

Chỉ tính riêng quý I/2025, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn Móng Cái đạt khoảng 1,6 tỷ USD, tăng gần 12% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu chiếm khoảng 55%, với các mặt hàng chủ lực như nông sản, thủy sản, hàng tiêu dùng. Nhập khẩu chủ yếu là nguyên vật liệu phục vụ sản xuất như linh kiện điện tử, máy móc thiết bị.

Tính đến hết quý I/2025, đã có 720 doanh nghiệp đăng ký làm thủ tục hải quan tại Móng Cái – tăng 128 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó có tới 515 doanh nghiệp đến từ các tỉnh, thành khác. Đây là minh chứng cho sức hút của Móng Cái trong vai trò là đầu mối giao thương, trung tâm hậu cần biên giới năng động bậc nhất khu vực phía Bắc.

Năm 2025, TP. Móng Cái đặt mục tiêu thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt khoảng 2.800 – 3.000 tỷ đồng, mức cao nhất từ trước đến nay. Để hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm logistics và thương mại quốc tế vùng Đông Bắc, thành phố đang tích cực triển khai các khu kinh tế cửa khẩu gắn với dịch vụ logistics hiện đại; khuyến khích phát triển vận tải, kho bãi, thương mại điện tử xuyên biên giới.

Móng Cái cũng đang tăng cường hợp tác với các địa phương phía Nam Trung Quốc, xúc tiến mở rộng tuyến vận tải đường bộ – đường biển liên thông, tạo hành lang logistics mới nối liền Móng Cái – Quảng Tây – Hải Nam – ASEAN. Với nền tảng hiện có cùng tầm nhìn chiến lược, Móng Cái đang khẳng định vai trò đầu tàu trong phát triển thương mại biên giới của Quảng Ninh và cả nước