Đang xử lý 119 tổ chức, 97 cá nhân có sai phạm tài chính, ngân sách

Chiều 30/5, tiếp tục kỳ họp thứ 7, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày về xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có sai phạm về tài chính, ngân sách đối với quyết toán NSNN năm 2021 trở về trước theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.

Đối với tổ chức, tổng số có 1.511 tổ chức bị đề nghị xử lý. Trong đó đã xử lý theo kết luận 1.382 tổ chức, chiếm 91,46%. Còn 119 tổ chức đang xử lý, chiếm 7,88% và 10 tổ chức chưa xử lý, chiếm 0,66%.

Đối với cá nhân, tổng số có 2.339 cá nhân bị đề nghị xử lý. Trong đó đã xử lý 2.236 người, chiếm 95,59%. Còn 97 người đang xử lý, chiếm 4,15% và chưa xử lý 6 người, chiếm 0,26%.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, thực hiện Chỉ thị số 22/CT-TTg và công văn của Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan trung ương, các địa phương đã xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong quản lý sử dụng NSNN.

Trong năm 2022 đã xử lý 1.382 tổ chức và 2.236 cá nhân. Việc kiểm điểm và xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu trong việc để xảy ra sai phạm về quản lý NSNN đã được thực hiện theo kết luận kiểm toán, thanh tra.

Về kết quả rà soát, quản lý các khoản tạm ứng quá hạn, chi chuyển nguồn NSNN, theo báo cáo của Chính phủ, số tạm ứng quá hạn theo chế độ còn phải thu hồi từ năm 2021 trở về trước là 5.006 tỷ đồng và số đã thực hiện thu hồi trong năm 2022 là 3.590 tỷ đồng.

Tổng số thu hồi các khoản ngân sách trung ương (NSTW) hỗ trợ địa phương năm 2022, 2021 trở về trước là 19.924 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Chính phủ, đến ngày 31/12/2022, số dư cải cách tiền lương của NSTW là 134.159 tỷ đồng, trong đó số dư của các bộ, ngành là 672 tỷ đồng, số dư cải cách tiền lương của các địa phương là 298.191 tỷ đồng.

Hơn 1.500 tổ chức và  2.300 cá nhân sai phạm về tài chính, ngân sách bị đề nghị xử lý
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, nguồn: Internet

Quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022

Bộ trưởng Bộ Tài chính trình bày báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, tổng số thu NSNN là 1.413.408 tỷ đồng, tổng số chi NSNN là 1.855.641 tỷ đồng, bội chi NSNN là 442.233 tỷ đồng. Tổng mức vay của NSNN là 642.019 tỷ đồng.

Theo Bộ trưởng, Chính phủ đã ban hành các chính sách giúp các doanh nghiệp giảm các nghĩa vụ tài chính, duy trì, ổn định, mở rộng sản xuất kinh doanh. Theo đó, đóng góp vào quá trình phục hồi và phát triển của nền kinh tế.

Các chính sách đã huy động kịp thời mọi nguồn lực để đảm bảo nguồn lực phòng chống dịch, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, duy trì nguồn lực cho đầu tư phát triển, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Đồng thời, tiếp tục tích lũy dành nguồn thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Trong đó công tác triển khai chính sách, pháp luật, dự toán NSNN có nơi, có lúc còn hạn chế, bất cập. Việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc chưa kịp thời ảnh hưởng đến hiệu quả, tiến độ thực hiện các nhiệm vụ NSNN.

Một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương giải ngân đầu tư công chậm. Việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương tài chính chưa nghiêm. Tình trạng sai phạm trong việc đấu thầu, mua sắm làm thất thoát, lãng phí vẫn còn xảy ra tại một số cơ quan, đơn vị. Số chi chuyển nguồn tiếp tục phát sinh lớn và một số bộ, cơ quan trung ương, địa phương lập, xét duyệt, gửi quyết toán ngân sách nhà nước chậm so với thời gian quy định.