Áp lực chi phí lớn, gánh nặng hành chính, kỹ năng yếu kém

Chiều 10/7, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo tham vấn kết quả khảo sát các hộ kinh doanh về việc thực hiện hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế. Đây là vấn đề “nóng” đang nhận được nhiều sự quan tâm, nhất là khi Nghị định 70/2025/NĐ-CP (Nghị định 70) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6 vừa qua.

Theo Nghị định 70, các hộ kinh doanh (HKD) nộp thuế khoán có doanh thu từ 1 tỷ đồng/năm trở lên bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền kết nối với cơ quan thuế. Cơ quan Thuế ước tính có khoảng 37.000 HKD thuộc diện này.

Ngay sau khi nghị định có hiệu lực, nhiều HKD phản ánh gặp khó khăn về chi phí đầu tư thiết bị, phần mềm và thao tác công nghệ. Thiếu thông tin và tin đồn sai lệch khiến không ít hộ hoang mang, lo sợ bị tăng thuế khi kê khai doanh thu thực tế. Một số hộ có phản ứng tiêu cực như tạm ngừng kinh doanh, né chuyển khoản hoặc cố tình ghi sai nội dung giao dịch.

Khảo sát từ VCCI: 3% hộ kinh doanh dự định đóng cửa, 63% co hẹp quy mô hoạt động

46% còn lại cho biết không lo ngại, cho thấy vẫn còn một tỷ lệ đáng kể hộ kinh doanh giữ tinh thần sẵn sàng tiếp cận công nghệ.

Khảo sát vừa được VCCI thực hiện trên 1.368 HKD cho thấy: 94% HKD được hỏi đã biết tới Nghị định; 70,57% cho rằng chi phí đầu tư ban đầu là gánh nặng “lớn hoặc rất lớn”; 54% đánh giá chi phí vận hành hàng tháng ở mức “tác động lớn”.

Ngoài ra, 49% số hộ cho biết việc quản lý hóa đơn, chứng từ điện tử khiến họ mất nhiều thời gian và công sức, gây áp lực về hành chính. Đặc biệt, khi được hỏi đâu là thách thức lớn nhất trong việc sử dụng hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế, có tới 37% HKD cho thấy gặp khó vì thiếu kiến thức, kỹ năng công nghệ; 25% thấy khó vì phải thay đổi thói quen quản lý truyền thống; 18% lo ngại về thủ tục hành chính phức tạp.

Đáng chú ý, khi được hỏi nếu việc triển khai hóa đơn điện tử gây ra ảnh hưởng tiêu cực, các HKD sẽ phản ứng ra sao? Kết quả khảo sát hé lộ một bức tranh đầy thận trọng: 63% HKD lựa chọn giảm quy mô hoạt động để cầm cự; 23% dự định tạm ngừng kinh doanh để “nghe ngóng” tình hình; 11% cân nhắc chuyển sang loại hình kinh doanh khác; 3% cho biết sẽ đóng cửa hoàn toàn.

Khi được hỏi trực diện về mức độ lo ngại, 54% HKD thừa nhận có lo ngại khi thực hiện nghĩa vụ sử dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền; 46% còn lại cho biết không lo ngại, cho thấy vẫn còn một tỷ lệ đáng kể hộ kinh doanh giữ tinh thần sẵn sàng tiếp cận công nghệ.

Đề xuất 'nới' thời gian, không xử phạt giai đoạn đầu

Từ kết quả khảo sát, phần lớn HKD đều đưa ra đề xuất rằng cần gia hạn thời gian tối thiểu 1 năm để làm quen với phần mềm, thiết bị và quy trình mới. Đồng thời, họ kiến nghị không xử phạt các hành vi vi phạm liên quan đến hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền trong giai đoạn từ 1/6 đến 31/12/2025, nhằm tạo đà chuyển đổi tích cực và tránh gây sốc tâm lý.

Một đề xuất đáng chú ý khác là không truy thu hoặc xử phạt các lỗi trong quá khứ, đặc biệt là liên quan đến hàng tồn kho chưa có hóa đơn đầu vào hợp lệ trước ngày 1/6/2025.

Theo VCCI, mức độ hỗ trợ từ cơ quan thuế càng cao, tỷ lệ HKD đánh giá tiêu cực sẽ càng thấp. “Hỗ trợ đầy đủ, kịp thời sẽ giúp giảm bớt lo ngại, tăng tính hợp tác và tự nguyện của HKD trong thực thi chính sách,” VCCI nhấn mạnh.

VCCI cũng đặc biệt khuyến nghị các cơ quan Nhà nước cần xác định và giải quyết các khó khăn thực tế; Tập trung hỗ trợ nhóm HKD có quy mô lao động lớn, vì nhóm này có xu hướng đánh giá tiêu cực cao hơn.

Đặc biệt đối với HKD có doanh thu từ 1 tỷ trở lên có mức độ lo ngại cao hơn đáng kể. Cơ quan Nhà nước cần chú ý đặc biệt và có thể có các chính sách hoặc kênh hỗ trợ riêng cho nhóm HKD quy mô lớn này để giải quyết các lo ngại đặc thù của họ.