Giá cổ phiếu ngân hàng tại các nước châu Âu đã giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày 15/3 (theo giờ địa phương) sau khi giá cổ phiếu ngân hàng lớn thứ 2 Thuỵ Sĩ Credit Suisse giảm xuống mức thấp kỷ lục. Nguyên nhân chính được cho là sau khi cổ đông lớn nhất của Ngân hàng Credit Suisse là Ngân hàng Quốc gia Saudi Arabia cho biết không thể tăng vốn sở hữu lên 10% như kế hoạch.

Giá cổ phiếu Ngân hàng Credit Suisse của Thuỵ Sĩ lần đầu tiên mất tới 31% trong phiên giao dịch ngày 15/3. Tình trạng bán tháo và giá cổ phiếu giảm mạnh khiến cơ quan điều hành thị trường chứng khoán có thời điểm phải tạm dừng giao dịch mã cổ phiếu của ngân hàng này.

Trong khi đó trái phiếu của Credit Suisse cũng lao dốc xuống mức cảnh báo tình hình tài chính của ngân hàng này đang căng thẳng nghiêm trọng. Kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 đến na y - điều hiếm khi xảy ra ở 1 ngân hàng tầm cỡ như vậy.

Cổ phiếu của ngân hàng lớn thứ 2 Thụy Sĩ giảm kỷ lục khiến chỉ số chứng khoán trung bình các ngân hàng châu Âu giảm 7% trong phiên giao dịch cùng ngày. Tính từ ngày 8/3, chỉ số này đã giảm 13% giá trị, đánh dấu mức giảm theo tuần cao nhất kể từ tháng 2/2022.

Cụ thể, trong phiên giao dịch sáng 15/3, cổ phiếu ngân hàng UBS Thụy Sĩ giảm 6,8%, cổ phiếu các ngân hàng Pháp gồm BNP Paribas và Societe Generale cũng giảm lần lượt 8,7% và 9,5% trong khi cổ phiếu của Banco de Sabadell (Tây Ban Nha) và Commerzbank (Đức) cũng giảm tương ứng 6,5-7,5%.

Khủng hoảng Credit Suisse khiến các ngân hàng châu Âu lao đao

Carlo Franchini, trưởng nhóm phân tích khách hàng doanh nghiệp tại Banca Infigest Milan cho biết: "Các thị trường đang hỗn loạn sau những vấn đề phát sinh với các ngân hàng Mỹ, giờ đến các ngân hàng châu Âu và đầu tiên trong số này là Credit Suisse. Điều này kéo toàn bộ lĩnh vực ngân hàng châu Âu "chìm xuồng" theo".

Chỉ số chứng khoán ngân hàng châu Âu giảm cũng khiến các thị trường chứng khoán tại Anh, Pháp và Đức chìm trong sắc đỏ. Các chuyên gia ngân hàng tại một số nước châu Âu nhận định những biến động liên quan ngân hàng Thụy Sĩ có thể được giải quyết và ngân hàng này sẽ không đến mức bị phá sản.

Trước những diễn biến mới, dồn dập và bất ngờ, giới chuyên gia châu Âu quan ngại khả năng Ngân hàng Trung ương châu Âu tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản qua đó gia tăng áp lực cho "sức khoẻ" ngành ngân hàng châu Âu.