Làn sóng xuất khẩu thép lớn nhất của Trung Quốc kể từ những năm 2010 đang gây ra căng thẳng thương mại trên toàn thế giới

Trung Quốc đã xuất khẩu gần 26 triệu tấn thép trong quý I - tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhu cầu nội địa giảm trầm trọng vì tình hình nền kinh tế giảm tốc đã khiến các nhà cung cấp thép Trung Quốc chuyển hướng sang các nước Đông Á (vốn là thị trường lớn nhất), đồng thời có thêm nhiều đơn hàng từ khu vực Ấn Độ, Trung Đông và Mỹ Latinh.

Kinh tế nội địa lao đao, thép giá rẻ của Trung Quốc ồ ạt tràn sang các nước
Thép Trung Quốc lấy phần hết xuất khẩu của nhà cung cấp các quốc gia khác?

Lượng thép ồ ạt từ Trung Quốc đang làm các quốc gia khác lo ngại vì tình trạng dư công suất. Sức cạnh tranh khủng khiếp của hàng hóa nước này đã gây mất cân bằng thương mại tại nhiều nước, trong nhiều ngành từ sắt thép đến năng lượng mặt trời.

Tổng thống Joe Biden đang kêu gọi áp thuế lên tới 25% đối với một số sản phẩm thép của Trung Quốc. Mặc dù Mỹ nhập khẩu rất ít thép từ nền kinh tế lớn nhất châu Á, nhưng đây là một phần trong động thái rộng lớn hơn của Washington nhằm thể hiện quan điểm bảo vệ thị trường.

Trong chuyến thăm Trung Quốc vừa qua, Bộ trưởng Bô Tài chính Mỹ, bà Janet Yellen kêu gọi Bắc Kinh dừng “những hành vi kinh tế bất bình đẳng”. Mỹ cho rằng Trung Quốc áp dụng chế tài đối xử không công bằng với doanh nghiệp Mỹ và các doanh nghiệp nước ngoài khác hoạt động ở Trung Quốc, đồng thời bóp méo thị trường toàn cầu bằng cách trợ cấp cho việc sản xuất quá mức trong một số ngành nhất định, dùng sản lượng khổng lồ để cạnh tranh.

Trong quý I/2024, xuất khẩu thép sang Brazil của Trung Quốc đã tăng 29% so với một năm trước đó. Xuất khẩu sang Colombia và Chile cũng lần lượt tăng 46% và 32%, theo báo cáo của Kallanish Commodities.

Cả ba nước đều đã triển khai hoặc đang chuẩn bị các biện pháp bảo hộ thương mại trước tình trạng này. Nhà sản xuất thép Cap SA của Chile suýt nữa phải đóng cửa các nhà máy, nếu Chính phủ nước này không áp đặt thuế đối với một số sản phẩm thép của Trung Quốc.

Xuất khẩu thép của Trung Quốc sang Ai Cập tăng 95%, trong khi sản lượng sang Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất tăng 81%. Tuy vậy, các nước nhập khẩu thép Trung Quốc nhiều nhất vẫn là Việt Nam và Hàn Quốc.

Kinh tế nội địa lao đao, thép giá rẻ của Trung Quốc ồ ạt tràn sang các nước
Công nhân đánh bóng vành thép tại một nhà máy ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc

Trung Quốc đã sản xuất khoảng 1 tỷ tấn thép mỗi năm kể từ năm 2019, thị trường vốn ảm đạm đã khiến các nhà máy gặp khó khăn. Nhiều nhà cung cấp đã chuyển từ sản xuất các sản phẩm xây dựng như thanh cốt thép sang làm thép cuộn cán nóng để bán được cho ngành công nghiệp khác cũng như khách hàng ở nước ngoài.

Một số nhà phân tích thuế quan cho rằng xuất khẩu thép cuộn cán nóng của Trung Quốc có thể lách qua nhiều khe hở thuế, cho phép các thương nhân Trung Quốc cắt giảm các khoản thanh toán VAT và hạ chi phí xuất khẩu để bán với giá cạnh tranh hơn. Các lãnh đạo của Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc đã lên tiếng trấn an và yêu cầu điều tra thêm nhưng đến nay chưa có kết quả gì chi tiết hơn.

Kinh tế nội địa lao đao, thép giá rẻ của Trung Quốc ồ ạt tràn sang các nước
Năm 2023, Việt Nam nhập khẩu gần 1,3 tấn thép cuộn cán nóng (HRC) từ Trung Quốc

Tại Việt Nam, vào đầu tháng 4 vừa qua, bộ Công Thương Việt Nam (MoIT) vừa xem xét điều tra chống bán phá giá thép cuộn cán nóng có xuất xứ từ Trung Quốc, khi sản phẩm thép nước này tràn ngập thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cũng lo ngại việc áp thế chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cuộn cán nóng nhập khẩu từ Trung Quốc có thể hại nhiều lợi.

Theo đó, thép cuộn cán nóng là sản phẩm thượng nguồn dùng để sản xuất ra các sản phẩm thép thành phẩm. Vì vậy, nếu áp dụng thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm này, nguồn cung sản phẩm sẽ bị gián đoạn, tạo ra sự độc quyền cho doanh nghiệp trong nước. Từ đó, các nhà máy thép sản xuất ống thép, tôn mạ sẽ bị ảnh hưởng do nguyên liệu đầu vào tăng cao, dẫn đến giá thành sản phẩm tăng cao. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến ngành thép mà còn ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế.