Sáng 1/7, tại Diễn đàn Thương mại xanh 2025, ban tổ chức công bố ra mắt Sàn giao dịch thương mại điện tử B2B “xanh” đầu tiên tại Việt Nam – EcoHub (truy cập tại ecohub.arobid.com), cùng triển lãm số 3D “EcoHub XPO” với chủ đề “No-Carbon City”.

Đây là nền tảng tiên phong trong việc giúp doanh nghiệp xanh hóa chuỗi cung ứng một cách dễ dàng, minh bạch và có khả năng kết nối toàn cầu.

Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng nhấn mạnh, phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2026–2030 phải gắn liền với định hướng xanh và tuần hoàn. Bộ Công Thương đặt mục tiêu đến năm 2030: Giảm tỷ lệ bao bì nhựa xuống còn tối đa 45%; Tăng tỷ lệ bao bì có thể tái chế lên 50%; Tối thiểu 40% doanh nghiệp ứng dụng năng lượng sạch trong logistics; Và 50% doanh nghiệp áp dụng chuỗi cung ứng xanh.

Lần đầu tiên Việt Nam có sàn giao dịch thương mại điện tử B2B xanh

Thứ trưởng Công Thương Phan Thị Thắng phát biểu tại sự kiện. Ảnh: SGGP.

Trong bối cảnh đó, sàn giao dịch B2B xanh như EcoHub chính là công cụ quan trọng, giúp doanh nghiệp chuyển đổi xanh hiệu quả hơn, tiết kiệm hơn, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

“Điều này sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp có thêm lợi thế cạnh tranh khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu theo hướng phát thải carbon thấp và tăng trưởng xanh”, Thứ trưởng Phan Thị Thắng nhấn mạnh.

Bà cũng đề nghị các cơ quan tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, chính sách hỗ trợ, đặc biệt là cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong quá trình chuyển đổi mô hình kinh doanh và sản xuất theo hướng xanh, bền vững.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), kỳ vọng EcoHub sẽ là sân chơi uy tín để doanh nghiệp chân chính, làm ăn thật được khẳng định vị thế, đặc biệt trong bối cảnh chống hàng gian, hàng giả đang được đẩy mạnh.

“Doanh nghiệp đã chuyển đổi xanh sẽ có cơ hội giới thiệu sản phẩm minh bạch, đạt chuẩn trên nền tảng này để khẳng định uy tín, cạnh tranh bằng chất lượng thực sự”, ông Hòa nói.

Tuy nhiên, ông Hòa cũng chỉ ra điểm nghẽn đó là nguồn vốn. Đa số doanh nghiệp Việt là quy mô nhỏ và vừa, nên khó tiếp cận nguồn lực tài chính lớn để đầu tư công nghệ, bao bì, dây chuyền sản xuất xanh. Ông kiến nghị cần có giải pháp linh hoạt, như mô hình trả góp, dùng chung công nghệ, thuê theo năm hoặc thiết kế các gói hỗ trợ tín dụng xanh vừa túi tiền.

Cùng quan điểm, ông Lương Nguyễn Xuân Vũ, Chủ tịch CLB Doanh nhân Sài Gòn, nhấn mạnh việc chuyển đổi xanh không chỉ là lựa chọn mà là bắt buộc nếu doanh nghiệp muốn tồn tại lâu dài trong chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, thách thức tài chính và thiếu hụt nhân lực có kỹ năng vận hành sản xuất xanh đang là hai lực cản khiến doanh nghiệp chùn bước.

“Chuyển đổi xanh khiến chi phí sản xuất tăng. Doanh nghiệp không dễ tăng giá bán vì sẽ mất cạnh tranh. Nhiều nơi phải chịu lỗ ngắn hạn để đổi lấy sự tồn tại lâu dài”, ông Vũ thẳng thắn.

Ông đề xuất thành lập Quỹ tín dụng xanh quốc gia và ưu đãi thuế cho doanh nghiệp xanh. Đồng thời, trong đầu tư công, Nhà nước cần ưu tiên mua hàng từ doanh nghiệp đạt chuẩn xanh để tạo ra thị trường tiêu thụ ổn định.