Tại Tọa đàm “Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp: “Nhìn lại và Hướng tới” diễn ra sáng 26/9, ông Phạm Văn Sơn, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, sau khi chuyển 19 tập đoàn, tổng công ty về dưới sự quản lý của Ủy ban, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp ổn định, công khai minh bạch, tối đa hóa lợi ích của nhà nước, hạn chế thất thoát tài sản nhà nước, cơ bản đã bảo toàn và phát triển vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.

So với năm 2018 (thời điểm chuyển về Ủy ban), theo BCTC của các tập đoàn, tổng công ty đến thời điểm cuối năm 2022, tổng vốn chủ sở hữu hợp nhất tăng từ 1,05 triệu tỷ đồng lên 1,15 triệu tỷ đồng. Tổng tài sản hợp nhất tăng từ 2,3 triệu tỷ đồng lên 2,5 triệu tỷ đồng; các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh đạt được hàng năm có sự tăng trưởng.

19 doanh nghiệp nhà nước
Ông Phạm Văn Sơn, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Nguồn: Báo Đầu tư)

Tính riêng trong năm 2022, tổng doanh thu hợp nhất đạt 1,87 triệu tỷ đồng chiếm 20% GDP cả nước (tăng 0,6% so với năm 2018). Tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 103.309 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước hợp nhất đạt 227.990 tỷ đồng. Đáng chú ý, tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đã đạt doanh thu kỷ lục kể từ khi thành lập đến nay.

Bên cạnh đó, các Tập đoàn, Tổng công ty góp phần không nhỏ trong việc bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động địa phương và trên cả nước với mức thu nhập bình quân năm liên tục cao hơn mức thu nhập trung bình cả nước; đồng thời thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và thực hiện chính sách an sinh, xã hội.

Đáng chú ý, sau 5 năm chuyển về Ủy ban quản lý, 19 tập đoàn, tổng công ty đã phê duyệt/triển khai thực hiện/ hoàn thành đầu tư 185 dự án nhóm A, 455 dự án nhóm B.

Trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các Tập đoàn, Tổng công ty, Ủy ban đã báo cáo Chính phủ, Thủ tướng và các cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật để triển khai thực hiện nhiều dự án đầu tư; trong đó một số dự án trọng điểm được đẩy nhanh tiến độ.

Trong giai đoạn 2018 - 2023 , Ủy ban đã tích cực chỉ đạo, phối hợp với các tập đoàn, tổng công ty thực hiện Kế hoạch đầu tư phát triển với tổng giá trị đầu tư ước đạt 769.969 tỷ đồng.

Đối với hoạt động xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành công thương, Ủy ban đã báo cáo, đề xuất và được cấp có thẩm quyền đồng ý phương án xử lý đối với 8/12 dự án, giao doanh nghiệp chịu trách nhiệm thực hiện. Với 4 dự án còn lại, Ủy ban đã trình Thủ tướng phương án xử lý với 3 dự án.

Để phát huy vai trò của các tập đoàn, tổng công ty trong phát triển kinh tế - xã hội, lãnh đạo CMSC cho biết, Ủy ban đề ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.